Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đăng ký kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, năm 2024, dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế đạt 8,5-9,0%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 81.844,5 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2024 ước đạt 69,7 triệu đồng, tương đương 2.850-2.900 USD, tăng 11,5% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 13.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng, lượng khách du lịch đến Huế ước đạt 3.254,4 nghìn lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt 6.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 47.293,2 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.008,71 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, tính chung đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong 10 tháng đầu năm 2024, Thừa Thiên Huế có hơn 1.150 doanh nghiệp và đơn vị thành lập mới (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới là 660 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 2.700 tỷ đồng; tăng 11% về lượng và giảm 69% về vốn so với cùng kỳ. Dự kiến cấp đăng ký thành lập mới doanh nghiệp năm 2024 đạt khoảng 800 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3.300 tỷ đồng.
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức chủ quan và khách quan và hơn lúc nào hết cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương tới địa phương.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng tới các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. |
Các Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh, phát triển bền vững, như Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016, Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2021, Nghị quyết 58/NQ-CP năm 2023…, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 - đây là văn bản pháp lý cao nhất về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, góp phần hình thành khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân năng động, sáng tạo, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong quy trình, thủ tục chi tiêu ngân sách.
Cục trưởng Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh thách thức vây quanh là rất lớn, để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thông qua Cục Phát triển doanh nghiệp kiến nghị các địa phương trong thời gian tới cần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết dựa trên lợi thế, thế mạnh của vùng, địa phương.
Bố trí, lồng ghép nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bền vững, chuyển đổi cơ cấu, công nghệ sang hướng hiện đại, giảm thải carbon.
Về phía địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, thời gian qua chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quyết liệt trong các hành động nhằm cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương phát biểu tại Hội thảo. |
Về công tác đăng ký kinh doanh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương hỗ trợ 100% chi phí chuyển phát qua đường bưu điện đối với kết quả hồ sơ đăng ký kinh doanh và chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh 100% qua mạng điện tử và trả kết quả 100% qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo Phó chủ tịch Phan Quý Phương, công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đi vào thực chất và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh đã ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp lên cao hơn so với quy định tại Nghị định 80 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ chữ ký số công cộng, hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới...
“Những kết quả đã đạt được nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới một dịch vụ hành chính công hiện đại thì cần phải có sự tham gia, phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là nhiệm vụ then chốt mà mỗi một chúng ta ngồi đây đều trăn trở”, Phó chủ tịch Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp đã thảo luận, hỏi đáp, chia sẽ kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc để những chuyên gia đến từ Cục Phát triển doanh nghiệp và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh giúp giải đáp, tháo gỡ nhiều “nút thắt” quan trọng giúp các cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, qua đó giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp một cách nhanh chóng và triển khai hiệu quả hơn các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.