Tín hiệu khả quan cho năm 2016
Trước đây, khách phương xa khi ghé Huế thường nói vui rằng, “Huế xưa cũng giống Huế nay, cũng chùa Thiên Mụ, cũng đài Ngọ Môn…” Điều đó phần nào đúng cho hình ảnh của cố đô Huế trước đây khi nhiều năm liền, người ta ít thấy sự thay đổi ở mảnh đất kinh kỳ một thời này. Song những năm gần đây, du khách đến Huế bắt đầu nhận thấy sự chuyển mình rõ nét của vùng đất này. Ngày càng xuất hiện nhiều tòa nhà cao tầng, các khách sạn tầm cỡ 5 sao, các tuyến đường khang trang rộng rãi...
Theo đó, TP. Huế - trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế và cũng chính là hình ảnh thu nhỏ cho toàn bộ hoạt động của tỉnh Thừa Thiên Huế - đang trên đà trở thành đô thị loại 1, một đô thị “sinh thái xanh” của châu Á. Không chỉ có TP. Huế, các huyện lỵ Hương Trà, Hương Thủy trở thành thị xã với cơ sở hạ tầng phát triển khá đồng bộ. Đặc biệt, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang phát triển vượt bậc để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của toàn khu vực phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vịnh biển Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới - đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn |
“Thừa Thiên Huế giờ đây là điểm đến hấp dẫn không chỉ với khách du lịch, mà còn với các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Trong năm 2015, hoạt động thu hút đầu tư vào tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã cấp phép 30 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9.806 tỷ đồng”, ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
Theo ông Khánh, trong năm 2016, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đón nhận các luồng đầu tư lớn từ các nhà đầu tư trong nước và các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, các nước ASEAN, Mỹ, EU... Năm 2016 cũng sẽ là một năm sôi động với nhiều dự án lớn được triển khai hoặc tiếp tục triển khai. Các dự án tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, bất động sản, dự kiến sẽ hoàn thành trong các năm 2017 và 2018.
Ngoài ra, nhiều dự án lớn có vốn đầu tư nghìn tỷ khác cũng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch để tiến hành thực hiện như Dự án Khu du lịch Tân Cảnh Dương, Dự án Khu du lịch sinh thái đầm Lập An tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Thuận An…
“Trong năm 2016, Thừa Thiên Huế sẽ đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư lớn có tiềm lực đến đầu tư trong tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung rà soát những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, qua đó hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ưu tiên nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng ngoài hàng rào, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp...”, ông Lê Đình Khánh chia sẻ.
Tập trung nguồn lực cho du lịch
Năm 2016 là thời điểm Việt Nam chính thức tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do mậu dịch toàn cầu. Nắm bắt điều này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực vào phát triển lĩnh vực truyền thống có thế mạnh là du lịch. Với lợi thế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, có nhiều di sản văn hóa (quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới), nhiều thắng cảnh nổi tiếng và cảnh quan sinh thái đa dạng..., có thể nói, Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có những giải pháp để “kích cầu” ngành du lịch. Đó là tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở thế mạnh. Đầu tư nâng ca khả năng và chất lượng cung ứng du lịch, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch…
Cũng theo ông Nguyễn Dung, từ năm 2007, Thừa Thiên Huế bắt đầu đón những lượt khách du lịch tàu biển đầu tiên qua cảng nước sâu Chân Mây. Năm 2015 là năm tỉnh có lượng khách đường biển nhiều nhất từ trước đến nay, với trên 75.000 lượt khách. Tổng lượt khách du lịch đến Thừa Thiên Huế cũng đạt kỷ lục trong năm nay, với trên 3,125 triệu lượt, trong đó khách quốc tế trên 1 triệu lượt, khách nội địa trên 2,1 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt 3.000 tỷ khối du lịch dịch vụ đóng góp 55,3% vào GRDP của tỉnh.
Thời gian tới, ngoài việc đầu tư cho quần thể Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ kêu gọi đầu tư vào việc phát triển vịnh biển Lăng Cô - Chân Mây, một trong 10 vịnh biển được bình chọn đẹp nhất thế giới. Theo ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, Khu du lịch Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng việc quy hoạch phát triển để Lăng Cô trở thành đô thị phát triển dịch vụ du lịch biển năng động phía Nam của tỉnh.
Với thương hiệu vịnh đẹp thế giới, Lăng Cô đã thu hút các nhà đầu tư đến vùng đất này đầu tư dự án từ rất sớm như Khu du lịch Thanh Tâm, Khu du lịch Lăng Cô Beach, Khu du lịch sinh thái Lăng Cô, Làng Cò Resort…, điển hình là Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô, với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 500 triệu USD do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư xây dựng.
Hiện nay, Cảng biển Chân Mây cũng đã được Hãng tàu Royal Caribbean lựa chọn để hợp tác nâng cấp cầu cảng bến số 1 để đón tàu Quantum of the Seas và Oasis of the Seas - tàu du lịch lớn nhất thế giới. Việc đầu tư nâng cấp cảng Chân Mây sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày một gia tăng, kết nối trực tiếp cố đô Huế với các trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực và thế giới bằng du lịch tàu biển, mở ra nhiều cơ hội trong việc quảng bá, phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng đã hợp tác với các hãng bay để mở các đường bay mới như Huế - Bangkok, Huế - Đà Lạt và đang xúc tiến để sớm mở đường bay Huế - Nha Trang nhằm phục vụ khách du lịch. “Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục liên kết với các địa phương vùng Trung Bộ, trên Con đường Di sản miền Trung, các điểm du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây để quảng bá thương hiệu du lịch Lăng Cô. Đồng thời tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển nhanh chóng hơn cho đô thị Lăng Cô, từ đó kết nối với Bạch Mã - Cảng Chân Mây tạo thành tam giác phát triển về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái”, Ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
Theo ông Khánh, ngành du lịch cũng sẽ chú trọng việc đào tạo chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm dịch vụ du lịch trong các doanh nghiệp và người dân Lăng Cô, góp phần làm tăng giá trị thương hiệu Lăng Cô trong thời gian tới. Có như vậy, lượng khách đến khu du lịch Lăng Cô nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung mới tiếp tục tăng lên trong nhiều năm tới.