Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và nhóm 6 ngân hàng phát triển, bao gồm WB, ADB, AFD, KfW, JICA, KEXIM, đã lại một lần nữa họp bàn để tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thì việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, trong đó có vốn ODA và vốn vay ưu đãi là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn lực của Việt Nam còn có hạn.
. |
“Tuy đã có nhiều chuyển biến, nhưng tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Việt nam vẫn còn chậm, chưa đạt kỳ vọng chung. Do vậy, các bên cần tiếp tục thảo luận, nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng trên 4,9 tỷ USD, cap gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sự đột biến này là do có một số khoản ODA của Nhật Bản dự kiến ký kết trong tài khóa 2015 của Nhật Bản chậm so với dự kiến và lùi sang tài khóa 2016.
Vốn ký kết tăng mạnh, tuy nhiên, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân 9 tháng đầu năm nay lại chỉ ước đạt 2,685 tỷ USD, bằng 81,4% mức giải ngân của cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giải ngân của 6 ngân hàng phát triển trong 9 tháng qua ước đạt 1,259 tỷ USD đối với JICA, 691 triệu USD với WB, 639 triệu USD với ADB, 75 triệu USD với KEXIM, 18 triệu USD với AfD và 78,54 triệu USD với KfW.
“Nhìn chung, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 9 tháng đầu năm không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Nhiều dự án có mức giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân kế hoạch giao năm 2016”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá và cho rằng, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2016 sẽ khó đạt được mức 4,65 tỷ USD của năm 2015.
Thực tế này khiến cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, rất vui mừng khi Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với 6 ngân hàng phát triển để giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
“Việt Nam và nhóm 6 ngân hàng phát triển cần tiếp tục tìm ra phương hướng hoạt động mới, để đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA, giải quyết các vấn về liên quan đến chuẩn bị dự án chậm, chậm khởi công, chậm giải ngân vốn…”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.