Du lịch
Thúc đẩy hợp tác công - tư trong chuyển đổi số du lịch
Hồ Hạ - 30/05/2022 15:30
Du lịch Việt Nam cần nâng cao hạ tầng công nghệ để đáp ứng phiên bản kế tiếp của Internet - vũ trụ ảo (metaverse), nhằm đón đầu xu thế nhân loại và bứt tốc mạnh mẽ.
Các đại biểu đang trải nghiệm công nghệ 4.0 được ứng dụng quảng bá điểm đến du lịch tại Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022, giới thiệu nhiều điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, di tích nhà tù Hỏa Lò, khu vực Ba Vì, Mỹ Đức, Sơn Tây… Việc triển lãm và cung cấp các dịch vụ du lịch trên nền tảng số giúp doanh nghiệp mở rộng đối tượng khách hàng.     Ảnh: Chí Cường



Manh mún

Nếu như trước đại dịch, câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay “sóng thần” Covid-19 buộc các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm giải pháp thích ứng để tồn tại.

Tại Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch Việt Nam cất cánh”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Không chỉ các doanh nghiệp du lịch lớn, mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu mình khi trở lại cuộc đua cạnh tranh”. 

Ông Phòng khẳng định, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ với cơ quan quản lý nhà nước.

Ngành du lịch sẽ tiến hành rà soát để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Từ đó, đề xuất điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.

Minh chứng là, tại các điểm đến đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật. Nhiều địa phương đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực tại các điểm du lịch, đồng thời du khách có thể gửi phản ánh về chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn manh mún, đơn lẻ, mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong quá trình áp dụng công nghệ chuyển đổi số, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất trăn trở vì thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ. Cần có chính sách đồng bộ từ Trung ương đến các bộ, ngành, hiệp hội, cũng như sự chuyển đổi từ các địa phương.

Chia sẻ về thực tế chuyển đổi số, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoitourism cho biết, đơn vị này đã bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2012. Lợi ích và thành quả đạt được khá lớn, nhưng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Chẳng hạn, trong doanh nghiệp lữ hành chia làm nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau, nhưng đơn vị cung ứng các giải pháp chuyển đổi số cho lữ hành hiện không liên kết được các bộ phận, từ khâu marketing, chăm sóc khách hàng, đến kinh doanh, điều hành và kế toán, quản lý.

“Điều này khiến doanh nghiệp lữ hành chỉ có thể chuyển đổi số từng phần, muốn sử dụng các giải pháp số một cách liên tục và hiệu quả thì doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính tốt và ổn định. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nhóm nhân sự già bắt nhịp chuyển đổi số rất khó”, bà Ngần nói.

Thúc đẩy cơ chế hợp tác công - tư

Nhận định ngành kinh tế xanh đang triển khai nhiều hoạt động số hóa, nhưng ông Daika Ginz, nhà sáng lập, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc hệ sinh thái UniWorld đánh giá, những hoạt động này còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Daika Ginz cho rằng, ngành du lịch có thể tận dụng sự ưu việt của hạ tầng blockchain (công nghệ chuỗi - khối). Khi sử dụng cơ sở dữ liệu blockchain, việc thay đổi thông tin trên cơ sở dữ liệu được xác minh dựa trên cơ chế đồng thuận của hệ thống, giúp tránh được sự xâm nhập của hackers, hạn chế rủi ro về sai lệch thông tin, đơn giản hóa quy trình và tối ưu chi phí quản trị vận hành.

“Ngành du lịch cần nâng cao hạ tầng công nghệ để đáp ứng cho phiên bản kế tiếp của Internet - vũ trụ ảo (metaverse). Sự hiện diện trong vũ trụ ảo sẽ là bước tiến đột phá, đón đầu xu thế. Quá trình này đòi hỏi  nghiêm túc, quyết liệt và tính toán kỹ lưỡng trong việc đầu tư nguồn lực và đổi mới hạ tầng”, ông Daika Ginz nói.

Để khắc phục tình trạng chuyển đổi số nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian tới, ngành du lịch sẽ phát triển một nền tảng thống nhất để tập trung dữ liệu số du lịch cả nước. Những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết vào nền tảng chung.

Ông Phúc cho hay, trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch. Trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm miễn phí.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành du lịch sẽ thúc đẩy cơ chế hợp tác công - tư, huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số cũng như huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.

Tin liên quan
Tin khác