Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam nhiều năm qua đi giữa ranh giới bóng tối và ánh sáng, khi hầu hết các sản phẩm gắn liền với hình thức phân phối bán hàng đa cấp chịu nhiều tai tiếng.
Nhằm trả lời các câu hỏi do người tiêu dùng đặt ra đối với loại sản phẩm đặc biệt này, lần đầu tiên, các hãng thực phẩm chức năng tại Việt Nam chính thức xuất hiện trong một sự kiện do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức từ ngày 27 đến 29/9, tại Hà Nội (Ngày hội Thực phẩm chức năng quốc tế tại Việt Nam - I3F Việt Nam 2013).
| ||
Thực phẩm chức năng đã có thời kỳ phát triển bùng nổ về số lượng |
Trong khuôn khổ sự kiện, các hãng thực phẩm chức năng lớn như: Tân Hiệp Phát, Domesco Đồng Tháp, IMC, Dược Hậu Giang, Sao Thái Dương, Dược phẩm Thành Đạt, Dược phẩm Ynno, Mannyon Việt Nam, Zen Plaza, Y tế Bình Nghĩa, Ginseng Korea, Rossa Pharma, Công ty Vắc xin, Công ty Loocen… sẽ cùng xuất hiện và giới thiệu các loại thực phẩm chức năng và lựa chọn nào là tối ưu cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Tại đây, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương các vấn đề có liên quan đến việc quản lý, phát triển thị trường thực phẩm chức năng, chiến lược phát triển ngành thực phẩm chức năng, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng...
Theo báo cáo của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng du nhập vào Việt Nam qua con đường nhập khẩu từ cuối những năm 1990.
Giai đoạn từ năm 2000 đến 2012 là thời kỳ phát triển bùng nổ về số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, với số lượng từ 13 đơn vị với 63 sản phẩm (năm 2000) lên đến 1.626 đơn vị với 3.721 sản phẩm (năm 2010). Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tính đến cuối năm 2012 là 1.552 cơ sở, với số lượng sản phẩm lên đến hơn 5.500 sản phẩm.
Theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, một trong những vấn đề cần làm trước và làm ngay chính là việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức chưa đúng của người tiêu dùng về thực phẩm chức năng. Hiện nay, việc nhận biết thực phẩm chức năng với thuốc hay các thực phẩm đồ uống thông thường còn chưa rõ ràng và dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Thực phẩm chức năng, về bản chất, là thực phẩm. “Nó cũng như bát cháo gà cho người ốm. Thực phẩm chức năng giúp tăng cường sức khoẻ, giảm nguy cơ và tác hại của nhiều bệnh tật và làm đẹp, chứ không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Ngày xưa, kinh tế khó khăn, chỉ người ốm mới được bồi bổ cháo gà, thì nay mọi người có thể ăn cháo gà thường xuyên để tăng cường sức khoẻ. Đó là điều hết sức bình thường”, ông Đáng nói.
Thêm vào đó là việc làm chưa đúng trong khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và cách thức kinh doanh sản phẩm sai đã làm cho định kiến của người tiêu dùng với thực phẩm chức năng càng trở nên tiêu cực.
Thực phẩm chức năng là thực phẩm đặc biệt. Tuỳ theo thể trạng, môi trường sống, môi trường làm việc, thói quen sinh hoạt…, mỗi người cần được bổ sung các loại thực phẩm khác nhau. Để hiểu đúng, dùng đúng sản phẩm, cần có sự tư vấn trực tiếp từ người bán hàng. Đây là điều mà kênh phân phối truyền thống không làm được.
Vì vậy, hình thức phân phối của các sản phẩm thực phẩm chức năng thường gắn với với việc bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, một số nhà phân phối vì chạy theo lợi nhuận quá mức, đã vô tình hoặc cố ý thổi phồng công dụng sản phẩm thực phẩm chức năng, khiến dư luận xã hội ác cảm với hình thức bán hàng đa cấp và ghét lây các sản phẩm.
Hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng là thông điệp mà các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng mang đến sự kiện I3F Việt Nam lần này.
Hà Quang