Thực phẩm chức năng giảm cân nguồn gốc Trung Quốc bị cơ quan chức năng thu giữ vì nguy cơ gây vô sinh |
Sai phạm nhan nhản
Danh mục 21 lô thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Dược phẩm Đại Y, (tổ 31, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tạm dừng lưu hành vì vi phạm quy định về ghi nhãn mác hàng hóa vào những ngày cuối cùng của năm 2016 tiếp tục cho thấy sự không bình thường của thị trường thực phẩm chức năng.
Trong số này, có rất nhiều sản phẩm được tiêu dùng thường xuyên trong các gia đình, như Siro Philatop, Siro bổ phế, Siro Cao ích mẫu lô, Siro mát gan, Siro bé ho, cho tới Vitamin C, Calci B12, Viên nén Vitamin B1, Vitamin B6, Viên ngậm Streptalisin…
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã kiểm tra tại Công ty TNHH Dược - Mỹ phẩm Pháp USA (địa chỉ: quầy số 506, tầng 5, tòa nhà 24T, số 01 - Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và lấy 3 mẫu thực phẩm chức năng để kiểm nghiệm. Kết quả có 1 mẫu đạt, 2 mẫu không đạt chất lượng theo quy định, gồm: thực phẩm chức năng Amkazym, số lô: 770615, NSX: 29/6/2015, HSD: 28/6/2018; thực phẩm chức năng Men TH Biotyl, số lô: 280714, NSX: 18/7/2014, HSD: 18/7/2017.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ vi phạm về thực phẩm chức năng bị phát hiện trong năm 2016.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện cả nước có hơn 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng công bố chất lượng, trong đó khoảng 60% là sản xuất trong nước.
“Qua các kỳ kiểm tra thực phẩm chức năng, chúng tôi đã phát hiện không ít vi phạm về chất lượng như: sản phẩm không có hoạt chất như công bố; hàm lượng hoạt chất không đúng như công bố; sản phẩm được quảng cáo như thần dược chữa bệnh; sản phẩm chứa tân dược…”, ông Phong nói.
Thực tế này cũng được Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Phạm Xuân Đà thừa nhận, hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm chức năng còn chung chung, không có một tiêu chí tiêu chuẩn nào và cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Qua thực tế kiểm nghiệm một số sản phẩm lưu hành trên thị trường, cơ quan chức năng đã phát hiện có những loại thực phẩm chức năng chứa chất nguy hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Mạnh tay với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng kém chất lượng
Tiêu dùng các thực phẩm hỗ trợ sức khỏe là nhu cầu thiết yếu và ngày càng gia tăng trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Kết quả điều tra mới đây của Bộ Y tế cho thấy, khoảng 60% người trưởng thành ở Hà Nội và TP.HCM sử dụng thực phẩm chức năng.
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu ước tính sẽ tăng lên 305 tỷ USD vào năm 2020. Sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng xuất phát từ xu hướng xã hội ngày càng quan tâm tới việc phòng ngừa các bệnh liên quan tới sức khỏe nhiều hơn trước.
Kết quả nghiên cứu thị trường của Euromonitor cho thấy, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ 15 - 20%/năm trong những năm tới. Do đó, kênh bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng luôn được các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Chính điều này khiến người tiêu dùng khó kiểm định về chất lượng sản phẩm khi các doanh nghiệp cạnh tranh về hoa hồng để quảng cáo, tăng doanh thu.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Leadviet cho rằng, ngành thực phẩm chức năng thực sự là một ngành “hot” với quy mô vài ngàn doanh nghiệp. Dự báo, cuộc đấu tranh giữa hàng thật và hàng giả, công ty chân chính và công ty chộp giật sẽ ngày càng gay gắt. Nếu cơ quan hữu trách không siết chặt quản lý lĩnh vực kinh doanh này thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Được biết, để chấn chỉnh kinh doanh thực phẩm chức năng, Bộ Y tế dự kiến từ giữa năm 2017 sẽ áp dụng quy định “Thực hành sản xuất tốt” đối với thực phẩm chức năng. Áp dụng quy định mới, nếu các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng không nâng cấp để đạt chuẩn sẽ bị ngưng hoạt động. Đây sẽ là công cụ để loại doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia vào sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.