Đang vào cao điểm
Sức mua của thị trường thực phẩm, đồ uống đang ở thời điểm cao nhất trong năm, các doanh nghiệp, nhà cung cấp đã gần hoàn thành kế hoạch cung hàng Tết ra thị trường. Sau một vài năm có dấu hiệu chững lại, ngành này đang dần lấy lại đà và tăng trưởng trở lại.
Số liệu thống kê từ Tổ chức Business Monitor International (BMI) cho thấy, thời gian qua, mức tăng trưởng doanh số của ngành bánh kẹo tại Việt Nam ổn định ở mức 10 -12%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3% của khu vực ASEAN và mức trung bình 1 - 1,5% của thế giới. Trong khi đó, ngành sữa tiếp tục đạt mức tăng trưởng 10 - 11%; ngành bia trên 11% và sẽ duy trì mức này cho đến năm 2020.
Thị trường thực phẩm, đồ uống được đánh giá rất tiềm năng trong năm 2017 - 2018 |
BMI dự báo, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2018 - 2020 nhờ thu nhập của người dân được cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn.
Tết Nguyên đán năm nay, Mondelez Kinh Đô đưa ra thị trường 7 nhóm sản phẩm với hơn 40 loại bánh từ cao cấp đến phổ thông mang các nhãn hiệu LU, OREO, COSY, SOLITE, AFC và SLIDE. Ông Stephane Gripon, Tổng giám đốc Mondelez Kinh Đô cho biết, mảng bánh quy và bánh ngọt đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2017 và đặc biệt tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán 2018. Đó là cơ sở để Công ty tin tưởng sẽ cán đích mục tiêu tiêu thụ năm 2018.
Kinh doanh đồ uống trong ngót nghét 20 năm, ông Nguyễn Văn Minh, Công ty TNHH Hoàng Minh (33 - Trần Xuân Soạn, Hà Nội) cho hay, doanh số bán hàng các loại đồ uống của cửa hàng, đặc biệt là rượu, bia và bánh kẹo, đã tăng 4-5 lần ngày thường. Trong 1 tuần trở lại đây, doanh thu của cửa hàng luôn đạt 80-100 triệu đồng/ngày và dự kiến duy trì từ nay đến 28 Tết.
Diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy, do nguồn cung của thị trường lớn, các nhãn hàng có sự cạnh tranh về giá, chủng loại hàng và dịch vụ, nên không có chuyện thừa cơ tăng giá.
Kênh trực tuyến đắt khách
Hệ thống gồm 12 cửa hàng thương hiệu Homefarm chuyên cung cấp thịt bò Mỹ, Úc, cá hồi tươi Na Uy, trái cây nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, ngoài bán hàng trực tiếp, lượng đơn đặt hàng qua mạng (Facabook, Zalo) từ khoảng 2 tuần nay đã tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh nhất là bò Úc, bò Mỹ nhập khẩu, với giá bán ưu đãi chỉ còn 179.000 đồng/kg ba chỉ bò Mỹ (thay vì 199.000 đồng/kg), 229.000 đồng/kg gầu bò Úc (giá niêm yết là 299.000 đồng/kg), 249.000 đồng/kg bắp bò Úc (giảm gần 50.000 đồng/kg so với trước).
“Chúng tôi nhận đặt hàng đến hết 23 Âm lịch, giao hàng hết 28 Tết và bán trực tiếp tại cửa hàng đến hết 29 Tết. Homefarm cũng cam kết miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 400.000 đồng trong bán kính 10 km”, đại diện Homefarm nói.
Bán hàng qua thương mại điện tử cũng là lựa chọn của các doanh nghiệp, nhà cung cấp lớn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho hay, bên cạnh việc bán hàng trực tiếp tại hệ thống đại lý, website bán hàng trực tuyến nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm online của khách hàng đang hoạt động trong tình trạng hết công suất.
Sự chuyển động của kênh bán hàng trực tuyến ngày càng rõ nét, khi kết quả khảo sát mới đây của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cho thấy, nếu cách đây 1 năm, mua sắm online mới chiếm 0,9%, thì sau một năm, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần, đạt 2,7%.
Theo ông Hà Minh Đức, CEO thương hiệu thực phẩm Clever Food với 5 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, sức mua sắm Tết dồn mạnh từ 20 đến 23 Âm lịch, sau đó chững lại và tăng mạnh trở lại vào 26 - 28 Tết. “Hiện giờ, doanh thu từ bán hàng trực tuyến của Clever Food chiếm khoảng 15 - 20% tổng doanh thu toàn hệ thống, tương đương doanh thu của 1 cửa hàng bán lẻ trực tiếp”, ông Đức cho biết.
Rõ ràng, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống - ngành hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp lễ tết sẽ sáng hơn khi nền kinh tế đang phục hồi vững chắc, thu nhập của người dân tăng lên.