Sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm mạnh trong tháng triệt để giãn cách
Theo báo cáo định kỳ hàng tháng vừa công bố, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex, mã FMC - HoSE) đã thu hẹp đáng kể công suất sản xuất và sản lượng tiêu thụ trong tháng 8 vừa qua.
Riêng trong tháng 8/2021, sản xuất tôm đạt 1.618 tấn, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị tiêu thụ đạt 11,1 triệu USD, giảm 56% so cùng kỳ năm 2020. Cộng dồn 8 tháng, sản lượng sản xuất vẫn tăng 11% so với cùng kỳ, đạt mức 13.813 tấn. Trong khi đó, giá trị tiêu thụ mặt hàng tôm đạt 132,9 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ nông sản nhỉnh hơn, tăng 27% so cùng kỳ năm 2020.
Lãnh đạo công ty cho biết Fimex có nửa đầu tháng 8 thực thi sản xuất ba tại chỗ và nửa tháng sau “nhẹ thở” hơn. Tuy nhiên, hoạt động chưa thể trở lại tình trạng bình thường vì Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn rủi ro.
Hiện Sóc Trăng thực thi Chỉ thị 16 linh hoạt, lấy địa bàn phường xã làm phòng tuyến chống dịch phân thành các vùng. Trong khi quyết liệt phong tỏa vùng đỏ, tỉnh tháo gỡ cho vùng xanh sớm trở lại bình thường. Fimex là doanh nghiệp nằm trong vùng xanh. Với các vùng còn rủi ro cao vì dịch (đỏ, cam), người lao động không thể đi làm nên công ty bị giảm một số lao động. Phía công ty cho biết công ty đang nỗ lực thu thêm lao động các vùng an toàn (xanh và vàng).
Theo mục tiêu đề ra, Fimex sẽ trở lại hoạt động bình thường như trước xảy ra dịch chậm nhất 10/9/2021, nhằm tăng tốc hoàn thành các đơn hàng, hoàn thành kế hoạch năm 2021 (200 triệu USD doanh số và 250 tỷ đồng lợi nhuận).
Thiết lập vòng an toàn
Việc thực hiện giãn cách xã hội khi diễn biến dịch Covid-19 khá căng thẳng tháng qua khiến một số nhà máy chế biến tôm và cá tra phải đóng cửa vì dịch lây lan mạnh trên địa bàn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 8/2021 ước tính đạt 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tăng trưởng các kỳ trước, sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2021 vẫn tăng 1,4% so với cùng kỳ, ước tính đạt 5.692,5 nghìn tấn. Riêng về kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng thủy sản 8 tháng đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1%. Trước đó, tính đến tháng 7, tăng trưởng xuất khẩu nhóm này so với cùng kỳ đã đạt 12%, đạt 4,92 tỷ USD.
Theo lãnh đạo Fimex, công ty đã tăng cường tối đa công tác y tế nội bộ, qua đó giữ vững thành trì, giữ vững khá tốt nhịp độ hoạt động trong bối cảnh mới.
Trong một chia sẻ gần đây, Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực cho biết quãng thời gian một tháng triển khai 3 tại chỗ vừa qua đã có không ít những lần tưởng như đu dây vượt thác khi phía dưới là đàn sấu đang há mõm chực chờ. Đó là khi cán bộ trong đội y tế và chính nhân sự lao động trong công ty nhận kết quả dương tín,h nhưng sau được xét nghiệm đã cho kết quả âm tính hoặc tải lượng virus thấp không có khả năng lây lan.
Thời gian sau đó, quá trình rà soát điều chỉnh để “làm tốt hơn” 3 tại chỗ tiếp tục được thực hiện. Ông Lực cho biết khi có nhiều doanh nghiệp 3 tại chỗ cho thấy lỗ hổng ở khâu giao nhận, cung ứng, công ty chủ động rà soát và xây dựng “hàng rào vùng đệm” để hàng hoá vừa cung ứng đến không vào bên trong khu 3 tại chỗ. Hay việc thành lập đội tự nguyện với kinh phí từ nguồn tự nguyện đóng góp để hỗ trợ thêm khi có người lao động yếu sức do nằm ngủ dưới nền, có biểu hiện ho sốt do viêm họng cải thiện sức khoẻ...
Doanh thu nửa đầu năm tăng 34%
Theo báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm, doanh thu của Fimex đạt 2.134 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm đáng kể do tốc độ tăng nhanh hơn của nhiều khoản chi phí như chi phí cho nhân viên cao gấp rưỡi cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm do đó chỉ tăng 14,7% so với cùng kỳ. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 1.913 tỷ đồng.
Fimex có quy mô vốn điều lệ 588 tỷ đồng. Cùng với thặng dư vốn và lợi nhuận tích luỹ qua các năm, vốn chủ sở hữu của công ty xấp xỉ 1.480 tỷ đồng. Quy mô xấp xỉ 2.527 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, Fimex gia tăng đáng kể tồn kho và đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung chủ yếu ở dự án Nhà máy Tam An (51,5 tỷ đồng).
Cập nhật đến cuối tháng 8, Fimex đã thả giống cho 320 ao tôm, tôm phát triển ổn định và tốt. Lĩnh vực xây dựng nhà máy mới ít nhiều bị giãn tiến độ do dịch không thể tập kết thiết bị theo kế hoạch và công nhân đi làm có bị hạn chế.