Đầu tư
Thúc tiến độ nghiên cứu hoàn thiện tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân
Bảo Như - 01/07/2024 08:19
Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với chiều dài 131 km (43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp) đang trong tình trạng thi công dang dở từ năm 2012 tới nay.
Một đoạn đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Bộ GTVT vừa có Thông báo số 139/TB – VPCP thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, để triển khai Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần phải rà soát, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, qua góp ý của các cơ quan, đơn vị cho thấy Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân chưa đáp ứng yêu cầu của báo cáo đầu kỳ.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó, tập trung rà soát, giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại của dự án, trách nhiệm của các bên theo hợp đồng trong thời gian qua từ pháp lý, tài chính, khối lượng, nợ đọng.... đồng thời làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền, trách nhiệm đối với các phương án đề xuất thực hiện tiếp theo của dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, tại Kết luận số 49-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án trước năm 2030.

Do đó, để xác định sự cần thiết đầu tư, Ban quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, đánh giá Dự án trong tổng thể mối quan hệ với các phương thức vận tải trên hành lang, mạng lưới đường sắt khu vực; đánh giá nhu cầu vận tải và hiệu quả đầu tư, trong đó lưu ý dự án xét về hiệu quả tài chính không thể hoàn vốn từ kinh doanh đường sắt nhưng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn cho khu vực và cả nước.

“Về quy mô và giải pháp thiết kế cho Dự án, cần bám sát quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 để triển khai thực hiện, phù hợp kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phương án tổ chức chạy tàu trong mạng lưới đường sắt. Giải pháp thiết kế các hạng mục công trình tận dụng tối đa các hạng mục đã đầu tư, đảm bảo hiệu quả đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy lưu ý.

Được biết, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư Dự án từ năm 2005.

Tuy nhiên, giai đoạn năm 2008 - 2011, do nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên Dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, do nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn vừa qua bố trí cho Bộ GTVT hạn chế, nên trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT phải cân đối, ưu tiên bố trí đầu tư các công trình động lực theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (bao gồm Tiểu dự án Lim - Phả Lại).

Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Được biết, Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với chiều dài 131 km (43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp), điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối tại cảng Cái Lân. Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập.

Hiện nay, Dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long - Cái Lân; 3 tiểu dự án còn lại: Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long mới triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nên đường và một số hạng mục trên tuyến.

Do Dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu, đã có nhiều thay đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực Dự án đi qua nên phương án đầu tư Dự án cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.

Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.

Tin liên quan
Tin khác