Chuyển động thị trường
Thúc tiến độ nhà ở xã hội tại Hà Nội
- 10/09/2014 08:21
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phát hành trái phiếu xây dựng nhà ở xã hội
Thu hồi các dự án nhà ở xã hội “câu giờ” giữ đất
Mua nhà Hà Nội chỉ với 100 triệu đồng
BIC 'làm trò' trong việc bốc thăm mua nhà ở xã hội Linh Đàm?
Tổng rà soát các dự án nhà ở xã hội

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 66 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang được triển khai, với khoảng 5.016.177 m2 sàn nhà ở xây dựng. Trong đó có 44 dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp với khoảng 37.800 căn hộ, 10 dự án nhà ở sinh viên đáp ứng cho khoảng 39.114 sinh viên, 12 dự án nhà ở công nhân, đáp ứng cho khoảng trên 40.000 công nhân.

Tính đến nay thành phố có 60 khu đất cho phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích khoảng 348ha. Hiện đã có 9/44 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đã được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013 với 419.669 m2 sàn xây dựng; 03 dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 với khoảng 115.065m2 sàn xây dựng; 08 dự án dự kiến hoàn thành năm 2015 với khoảng 708.283m2 sàn xây dựng; 24 dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng sau năm 2015 với khoảng 2.572.675m2 sàn xây dựng.

   
  Bộ Xây dựng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa nhà ở xã hội vào hoạt động sớm  

Đã có 04/12 dự án phát triển nhà ở công nhân được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013 với 183.266 m2 sàn; 03 dự án dự kiến hoàn thành năm 2015, với khoảng 98.696m2 sàn, 05 dự án với diện tích sàn 556.448m2 dự kiến sẽ hoàn thành sau năm 2015.

Trong tổng số 10 dự án nhà ở sinh viên với tổng diện tích sàn 362.775m2 đã có 04 dự án được đưa vào sử dụng năm 2013, 02 dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 và 04 dự án dự kiến hoàn thành năm 2015.

Về tình hình cải tạo chung cư cũ, nhà cũ, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.155 nhà chung cư 3-5 tầng do cơ quan quản lý nhà của thành phố đang quản lý bán theo Nghị định 61 (chưa bao gồm 357 khu nhà do các cơ quan tự quản, tự xây dựng đã bán theo Nghị định 61, hoàn thành công tác chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý được thống kê, cập nhật tháng 8/2014) và 10 khu nhà ở thấp tầng (hầu hết đã bán theo Nghị định 61).

Trong đó, có hơn 200 nhà chung cư có kết cấu lắp ghép tấm lớn với diện tích gần 500.000m2 sàn, được xây dựng từ trước năm 1980 và hầu hết chưa được tính đến thiết kế kháng chấn, tập trung tại 4 quận nội thành cũ (khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch chung được phê duyệt), đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuất hiện tình trạng nguy hiểm với hệ thống hạ tầng đã xuống cấp, cần được cải tạo, xây dựng lại.

Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, xuống cấp đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo, tuy nhiên việc thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn do quy hoạch cũng như công tác di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng, nền kinh tế gặp khó khăn… nên việc triển khai còn chậm.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng , nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn, tuy nhiên việc đáp ứng còn chậm. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội.

Thành phố Hà Nội cần tiếp tục rà soát Chương trình phát triển nhà ở, xác định rõ mục tiêu và lộ trình thực hiện trong 5 năm, 10 năm để xây dựng kế hoạch cụ thể cho hàng năm và từng giai đoạn; Tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội gắn với quy hoạch giao thông công cộng; rà soát các dự án đã giao và tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; duy trì hoạt động của Tổ công tác liên ngành giữa Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội.

Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã làm việc với UBND TP Hà Nội về vấn đề giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, học sinh và sinh viên. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết Thành phố Hà Nội đã cơ bản thực hiện sát các chỉ đạo, quy định về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp của Trung ương. Thành phố cũng khuyến khích các chủ đầu tư đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại cho các hộ dân có nhu cầu nhà ở, nhằm giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Thành phố cũng đang tính toán, khuyến khích chủ đầu tư tham gia tháo gỡ khó khăn, lấp đầy công nhân trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà trong việc xây dựng nhà ở công nhân.

Về xây dựng nhà ở sinh viên TP đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đặc biệt sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Mỹ Đình 2 và Pháp Vân - Tứ Hiệp, hai dự án này về cơ bản đã hoàn nên phải tiếp tục thực hiện nếu không sẽ xảy ra lãng phí rất lớn. Quan điểm của TP sẽ nâng trần hạn mức, nếu nguồn ngân sách Chính phủ không có thì TP sẽ phát hành trái phiếu Thủ đô để thực hiện.

 

Tin liên quan
Tin khác