Doanh nghiệp
Thuế nhập khẩu bóp méo giá bán lẻ xăng dầu?
Thanh Hương - 18/09/2013 08:34
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) vừa đề xuất Chính phủ 5 vấn đề nên được quy định trong nghị định mới về kinh doanh xăng dầu nhằm tháo gỡ những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua. Tổng kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội

Tuy nhiên, điều đáng nói là, tại cuộc họp báo vào đầu tháng 9 vừa qua, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã được thẩm định và đang bổ sung về mặt pháp lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Điều đó có nghĩa là, có vẻ Vinpa đã “chậm tàu” khi đưa các kiến nghị của mình.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất Chính phủ 5 vấn đề nên được quy định trong nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Theo đề xuất của Vinpa, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần căn cứ vào khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ấn định mức thuế nhập khẩu tuyệt đối ổn định trong một năm với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội và các cam kết quốc tế.

Giải thích đề nghị này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Vinpa cho hay, mức thuế nhập khẩu được ấn định bằng giá trị tuyệt đối trong 1 năm sẽ tạo khoản thu ổn định cho ngân sách eo hẹp hiện nay và tránh những bất cập trong hoạt động tạm nhập tái xuất.

“Thực tế cho thấy, việc sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ bình ổn giá xăng dầu không những làm thất thoát nguồn thu ngân sách, mà còn bóp méo giá bán lẻ xăng dầu, gây bức xúc trong xã hội”, ông Ruệ nhận xét.

Khung thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện là 0 - 40% và mức thuế nhập khẩu xăng dầu hiện ở mức 18%. Mức thuế suất thuế nhập khẩu này vừa giúp Nhà nước có nguồn thu ngân sách, vừa giúp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có điều kiện hoạt động ổn định.

Liên quan đến việc xác định giá bán lẻ xăng dầu, Vinpa cũng cho rằng, nên quy định giá xăng dầu tăng dưới biên độ khung 8%, thì các doanh nghiệp (DN) đầu mối có quyền tăng giá bán lẻ theo đúng tinh thần Nghị định 84/2009/NĐ-CP.

Cũng theo đề xuất của Vinpa, chỉ khi giá xăng dầu tăng quá biên độ khung 8%, các thương nhân đầu mối mới phải báo cáo cơ quan chức năng thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội. Thống kê của Vinpa cho thấy, trong vài năm gần đây, giá xăng dầu trên thị trường thế giới và khu vực chỉ dao động trong khoảng 5%.

Tuy nhiên, đề xuất cho phép tự quyết tăng giá khi có biến động dưới 8% này của Vinpa khiến dư luận nghĩ tới câu chuyện biến động của các chi phí đầu vào khiến giá điện tăng 5%, thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ việc đề nghị cơ quan hữu trách cho tăng giá. Kết quả là, trong 3 lần tăng giá điện gần đây, mức tăng đều chỉ là 5% theo quy định, để tránh phải trình Thủ tướng Chính phủ. Các thương nhân đầu mối xăng dầu cũng có thể làm theo cách này.

Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Ruệ cũng cho rằng, việc sử dụng Quỹ của Bộ Tài chính đã bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc cho người sử dụng, cũng như làm khó cho các DN kinh doanh xăng dầu. Vì thế, cần có một nghị định riêng quy định việc trích lập, sử dụng quỹ nhằm minh bạch hoá, phù hợp với xu thế biến động giá xăng dầu trên thị trường khu vực và quốc tế.

Vinpa cũng đề nghị các bộ tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lệ, hợp lý cho toàn bộ chu trình từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ. Mức tăng, giảm chi phí định mức và lợi nhuận định mức không thấp hơn tỷ lệ lạm phát của năm trước, để các DN xăng dầu không bị lỗ do cơ chế.

Đáng nói là, đề xuất trên được đưa ra trong khi dư luận vẫn còn đang bức xúc về mức lợi nhuận “khủng” trong kinh doanh xăng dầu mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt được trong 6 tháng đầu năm 2013, kèm theo tuyên bố của Bộ Công thương “mức lãi này vẫn còn thấp và chưa đạt lợi nhuận định mức được quy định là 300 đồng/lít”.

Được biết, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu, giải trình tiếp thu và trả lời ý kiến của Vinpa.

Tin liên quan
Tin khác