Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thảo luận ngày hôm qua (22/3/2016) thì không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác. Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên cũng không được hoàn thuế GTGT.
Sẽ hạn chế tình trạng tài nguyên, khoáng sản được tuyển loại sơ qua rồi đem xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, không hoàn thuế GTGT đối với các sản phẩm kể trên khi xuất khẩu là nhằm khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu, tăng hàm lượng GTGT với tài nguyên thiên nhiên và hạn chế tình trạng doanh nghiệp chỉ “móc” tài nguyên, khoáng sản ở dưới đất lên, sau đó tuyển loại sơ qua rồi đem xuất khẩu (chủ yếu là bán cho Trung Quốc). “Thực tế cho thấy, đối với sản phẩm hàng hóa có tổng trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng (gồm chi phí điện, xăng, dầu, than) chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, thì cơ bản vẫn là sản phẩm thô, GTGT trong nước thấp nên chưa thể là sản phẩm được chế biến sâu trong nước. Việc không cho hoàn thuế mà được kết chuyển sang kỳ tiếp theo nhằm thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô, khuyến khích chế biến sâu tạo giá trị gia tăng lớn hơn ở trong nước”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu trong nước, thì phải sử dụng các chính sách khác chứ không nên sử dụng chính sách thuế vì thế cần phải hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp khi xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến hoặc giảm tỷ lệ giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng trong tổng giá trị xuất khẩu xuống mức hợp lý hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Anh Dũng nói thẳng, nếu không hoàn thuế GTGT cho sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên như xuất khẩu tài nguyên thô là không hợp lý.
“Trên thực tế, có rất nhiều sản phẩm chế biến từ khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% - 80% là những sản phẩm chế biến rất sâu, thậm chí đã đến sản phẩm hàng hóa cuối cùng cho người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm phân bón, hóa chất đều phải đầu tư nhà máy lên tới hàng trăm triệu USD, với kỹ thuật, công nghệ phức tạp, tiên tiến mới sản xuất ra sản phẩm cuối cùng phục vụ nông nghiệp có tỷ lệ nguyên liệu cộng với năng lượng rất trong giá thành sản phẩm rất cao như phân lân nung chảy là 80%, đạm urê là 55% hay supe lân là 60%... Các sản phẩm trên ngoài đáp ứng đủ nhu cầu trong nước còn xuất khẩu, tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Nếu không hoàn thuế GTGT sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh và có thể không xuất khẩu được”, ông Dũng lo lắng.
Cũng theo Dự thảo, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế GTGT, mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư sang kỳ tiếp theo nếu không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động.
Theo ông Hiển, việc không hoàn thuế GTGT đối với những trường hợp trên nhằm bảo đảm minh bạch về vốn, lành mạnh hoá các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. “Hơn nữa, quy định này cũng nhằm để đồng bộ với với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đồng thời để quản lý chặt chẽ, lành mạnh hoá các hoạt động kinh tế”, ông Hiển giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Hà Sỹ Đồng, không hoàn thuế GTGT đối với dự án không góp đủ số vốn điều lệ; kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh là không hợp lý.
“Doanh nghiệp vi phạm luật nào thì xử bằng luật đó. Ví dụ, doanh nghiệp vi phạm giao thông đường bộ thì xử lý bằng Luật Giao thông đường bộ; vi phạm trong cạnh tranh thì xử lý bằng Luật Cạnh tranh… chứ không thể xử lý bằng luật thuế. Doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ, chưa bảo đảm đủ điều kiện kinh doanh tức là vi phạm Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì xử lý bằng 2 luật này, còn nếu vì vi phạm mà không cho hoàn thuế, khác gì doanh nghiệp vi phạm trong đầu tư, kinh doanh lại xử bằng luật thuế”, ông Đồng phát biểu.