Một mẫu tivi cao cấp mới của LG. |
Thương chiến LG - Samsung
Sự việc bắt đầu từ quảng cáo “LG OLED TV - Đẳng cấp khác biệt” của LG phát sóng trên các kênh truyền hình Việt Nam bắt đầu từ ngày 18/11. Nội dung quảng cáo này so sánh giữa công nghệ OLED và LED. Tuy nhiên, quảng cáo không trực tiếp sử dụng khái niệm QLED. Hình ảnh duy nhất mang nội dung "QLED" được LG biến tấu khéo léo thông qua việc thay đổi tên gọi của chiếc TV theo bảng chữ cái, gồm A, B, F, U, Q, K, S, T để gắn kèm khái niệm LED. Đáng chú ý nhất là phần QLED để dừng hình... lâu hơn bình thường.
Ngay sau đó, Samsung đã khiếu nại với các cơ quan quản lý bởi cho rằng, LG đã vi phạm Luật Quảng cáo, vì đã có ý so sánh OLED TV với QLED TV của Samsung.
Ngay lập tức, LG đã “phản pháo”. Đại diện LG khẳng định, LG không vi phạm Luật Quảng cáo và không chủ ý so sánh bất kỳ sản phẩm, thương hiệu cụ thể nào trong quảng cáo của mình. Trong quảng cáo nói trên, đối tượng so sánh mà LG hướng tới là 2 công nghệ tivi nói chung là LED và OLED. LG cho biết, quảng cáo trên vẫn đang được phép trình chiếu, phát sóng ở nhiều nước trên thế giới.
“Mục đích của quảng cáo “LG OLED TV - Đẳng cấp khác biệt” nhằm phân biệt, nêu bật các ưu điểm của công nghệ OLED so với dòng tivi LED nói chung, trong đó có cả các dòng tivi LED thông thường của LG”, đại diện của LG khẳng định.
Đây không phải là lần đầu tiên, hai đối thủ cùng đến từ Hàn Quốc có xung đột. Trước đó, hồi tháng 10/2019, LG đã tung ra video “cà khịa” tivi QLED của Samsung. LG đã mang tivi OLED của LG và QLED của Samsung tiến hành mổ xẻ nội thất. Mục đích của LG là muốn chứng minh, đây không phải công nghệ tấm nền mới, mà chỉ là công nghệ LCD truyền thống.
Trước đó, tháng 9/2019, LG cũng đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại bình đẳng Hàn Quốc (FTC Korea), phàn nàn rằng, Samsung đang quảng cáo sản phẩm tivi QLED có thể gây hiểu nhầm cho khách hàng.
Samsung ngay lập tức đã đáp trả LG. Trong quảng cáo mới nhất của mình, Samsung “đá xoáy” LG về nhược điểm burn-in (hiện tượng các điểm ảnh bị bay màu gây ra bởi các hình ảnh tĩnh hiển thị quá lâu) của tivi OLED.
Samsung cũng chuyển hướng sang OLED
Trên thực tế, cả LG và Samsung đều phát triển công nghệ OLED. Bản chất cuộc đối đầu giữa LG và Samsung là việc lựa chọn công nghệ để thương mại hóa sản phẩm.
Cụ thể, số lượng tivi QLED bán ra trong quý này đạt gần 16.000 chiếc, trong khi đó tivi OLED chỉ bán được 3.400 chiếc. Riêng trong tháng 7/2019, tivi QLED bán được hơn 8.000 chiếc, gấp 5 lần tivi OLED (1.590 chiếc).
Chiếc tivi OLED đầu tiên của Samsung được sản xuất vào năm 2013. Khi đó, công nghệ OLED còn non nớt, nhiều khiếm khuyết. Đặc biệt, chi phí sản xuất cao, nên năm 2014, Samsung đã từ bỏ công nghệ này và chuyển sang phát triển công nghệ QLED.
Trong khi đó, LG lại chọn OLED để phát triển và đạt được những tiến bộ về công nghệ cũng như hạ giá thành sản phẩm, biến OLED từ màn hình cao cấp cỡ nhỏ chỉ dành cho smartphone sang tivi cỡ lớn.
Nói một cách tổng quan, QLED mang lại độ sáng cao hơn, tuổi thọ dài hơn, kích thước màn hình lớn hơn và mức giá thấp hơn. Trong khi đó, OLED có công nghệ hiện đại hơn, có góc nhìn tốt hơn, mức độ màu đen sâu hơn và sử dụng ít năng lượng hơn.
Nhưng QLED dưới “nghệ thuật makerting” của Samsung lại bán chạy hơn OLED của LG. Theo Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, quý III/2019, TV Samsung chiếm 30,3% thị phần toàn cầu, LG với 16%, Sony đứng thứ 3 với 8,8% và TCL chiếm 6,3%.
Samsung đã xác nhận, họ đang phát triển các tấm đi-ốt phát sáng hữu cơ chấm lượng tử (QD-OLED). Nếu thành công, thế hệ tivi mới của Samsung sẽ lấn sân sang hệ sinh thái OLED vốn đang được LG gây dựng. Rất có thể, cuộc chiến này sẽ còn kịch tính hơn trong thời gian tới.