Trong đợt tăng cước ngày 16/10/2013, người tiêu dùng sốc vì cả số tiền họ phải bỏ ra, lẫn cách mà nhà mạng đối xử với họ, bởi rất khó lý giải cho sự “ngẫu nhiên” khi cả 3 nhà mạng cùng tăng giá trong một ngày. Nay, cú sốc này rất dễ khiến khách hàng “đột quỵ”, vì cuối năm thường là thời điểm giá nhiều mặt hàng đua nhau leo thang.
| ||
Bộ Công thương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị điều chỉnh thêm giá cước 3G theo cơ chế thị trường |
Có rất nhiều lý do mà các nhà mạng đưa ra để biện minh cho động thái tăng giá, như tăng giá để bù lỗ, để tái đầu tư mạng 3G, tăng giá vì giá thành đang thấp so với thế giới và khu vực. Sẽ thậm vô lý, nếu việc tăng cước 3G, “móc túi” khách hàng thêm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, là để gánh nợ thay cho nhà mạng. Hơn nữa, nhiều năm liên tiếp, các nhà mạng này đều lãi lớn. Vì vậy, vin cớ thua lỗ để tăng giá là không có sức thuyết phục đối với người tiêu dùng.
Với lý do tái đầu tư mạng 3G, việc này cũng không thuyết phục, bởi bài toán đầu tư, kinh doanh 3G là do chính nhà mạng lập nên khi thi tuyển với Bộ Thông tin và Truyền thông. Hay nói chính xác hơn, đó là chuyện của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp tính toán chi phí đầu vào và đầu ra khác nhau, sai thời gian hoàn vốn và có lãi thì doanh nghiệp phải tự trách mình, chứ không thể đổ lỗi cho khách hàng, người sử dụng dịch vụ của mình.
Còn lý do tăng do giá 3G tại Việt Nam đang thấp so với thế giới cũng không ổn, bởi lẽ, việc so sánh với giá ở các nước phát triển là một việc làm rất vô duyên và khập khiễng.
Các nước như Mỹ, Anh có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 40 - 50 lần so với Việt Nam. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Singapore, Thái Lan cũng có thu nhập tính theo đầu người cao gấp rất nhiều lần so với Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, người tiêu dùng còn có cảm giác bị nhà mạng lừa khi cam kết tăng giá cước không quá 20%, nhưng trên thực tế, nhiều gói cước đã tăng giá tới 300%.
Sự không minh bạch đang khiến khách hàng bất bình và bức xúc. Nhà mạng chỉ mập mờ về việc tăng giá, mà không đưa ra các thông tin cụ thể, chi tiết, minh bạch việc tăng những gói cước nào, tăng bao nhiêu và đặc biệt, không có cảnh báo đến người dùng về việc nếu không đăng ký gói cước cụ thể có thể bị trừ rất nhiều tiền. Chỉ đến khi cuối tháng xem hóa đơn, người tiêu dùng mới “ngã ngửa” với số tiền mà mình phải trả.
Có thể thấy, đề xuất tăng cước 3G lần này tiếp tục là đòn đánh trực diện vào người tiêu dùng. Sự bất bình vì đột nhiên bị móc ví trong đợt tăng cước 3G hồi tháng 10/2013 chưa tiêu tán, thì với đề xuất mới này, người tiêu dùng không sốc mới lạ. Chắc chắn lần này, nhà mạng sẽ đối mặt với phản ứng dữ dội từ “thượng đế” của mình. Khi đó, chắc chắn niềm tin đối với các nhà mạng này sẽ tụt dốc một cách thảm hại.
Hữu Tuấn