Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), doanh thu TMĐT ở Việt Nam hiện chiếm chưa tới 3% tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn quốc. Năm vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng loạt ông lớn bỏ cuộc chơi TMĐT như VNG phải bán 123mua.vn cho FPT, IDG Ventures Việt Nam đóng cửa Dự án Lana, Rocket Internet đóng cửa Lamido.vn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để TMĐT phát triển như dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet cao, với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet. Tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 58%, trong đó tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 15%. Với sự phát triển của 3G và các thiết bị di động, đặc biệt là smartphone cùng hàng ngàn thẻ ngân hàng phát hành mỗi ngày, TMĐT Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn, nhiều khả năng năm 2016 sẽ là năm bùng nổ của TMĐT Việt Nam.
. |
Tuy nhiên, trước dự báo về khả năng cất cánh của TMĐT trong năm 2016, thị trường đang chia ra nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Alexandre Dardy, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam có cùng quan điểm về sự bùng nổ của TMĐT trong năm 2016 khi cho rằng, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ phát triển ít nhất là gấp 3 đến 4 lần so với năm 2015. Để đón đầu xu hướng này, trong năm nay, Lazada Việt Nam tập trung vào việc nâng cao tiện ích cho người sử dụng bằng cách cải thiện website, ứng dụng di động và rút ngắn thời gian giao hàng. Song song đó, Công ty sẽ tiếp tục đa dạng ngành hàng với mức giá cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Lazada hiện đang cân nhắc việc đưa cổng thanh toán helloPay vào hoạt động ở thị trường Việt Nam sau Singapore và Philippines. “Lazada mong muốn trở thành điểm hẹn mua sắm đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Để đạt được điều đó, chúng tôi sẽ củng cố chương trình bảo vệ khách hàng và sẽ tiếp tục siết chặt chính sách không khoan nhượng, như chấm dứt hợp tác ngay lập tức với những nhà phân phối cung cấp sản phẩm kém chất lượng trên sàn giao dịch”, ông Dardy nói.
Còn theo ông Lương Duy Hoài, Giám đốc Điều hành Giaohangnhanh.vn, đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần trong TMĐT cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 70 đến 80 triệu gói hàng được tạo ra từ kênh TMĐT. Con số này sẽ đủ sức hấp dẫn các đơn vị giao nhận hàng hóa truyền thống như VNPOST, ViettelPost và cả các doanh nghiệp đi theo mô hình “kinh tế chia sẻ” như Grab Taxi và Uber.
Ông Hoài cho biết, trong năm 2016, Giaohangnhanh.vn tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công nghệ và xây dựng dịch vụ chất lượng 5 sao. Cùng với đó, mở mới thêm 100 điểm giao dịch trên 63 tỉnh, thành phố để tăng thêm điểm tiếp xúc khách hàng, đồng thời định vị mô hình “Điểm dịch vụ” đầu cuối trong TMĐT. Cuối cùng, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Ahamove, ứng dụng di động kết nối khách hàng với các tài xế xe ba gác, xe tải nhỏ để giải quyết bài toán giao nhận hàng hóa tức thì trong phạm vi các thành phố lớn.
Trái với niềm tin lạc quan vào thị trường TMĐT của các “ông lớn”, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, sẽ quay trở lại mô hình mở cửa hàng truyền thống và TMĐT chỉ đóng vai trò là kênh bổ trợ.
Ông Hoàng Nhị Khoa, Giám đốc Điều hành Muasammypham.com, đơn vị kinh doanh mỹ phẩm chính hãng cho biết, chi phí dành cho TMĐT, chủ yếu là tiếp thị và giao nhận quá cao. Đã vậy, bán càng nhiều hàng trên TMĐT thì càng chôn nhiều vốn, vì phần lớn khách hàng ở Việt Nam vẫn thanh toán bằng tiền mặt, nên tiền về tay doanh nghiệp giao hàng rồi mới tới công ty, bình quân mất khoảng 7 đến 10 ngày.
“Đó là chưa kể chưa chắc tiền về đủ, mà có thể bao gồm cả hàng khách trả về. Khi đó Công ty vừa tốn chi phí giao hàng, vừa mất cơ hội kinh doanh”, ông Khoa nói.