Viễn thông - Công nghệ
Thương mại hóa công nghệ 4G vào cuối năm 2016
Hữu Tuấn - 21/05/2015 11:17
Ngày 21/5/2015, tại Bangkok Thái Lan, Tập đoàn công nghệ Huawei tổ chức Hội nghị LTE (4G) khu vực Đông Nam Châu Á (Huawei Southeast Asia LTE Summit 2015).

Kỷ nguyên của LTE đang đến

Đây là lần thứ 2 Huawei tổ chức hội nghị quốc tế về LTE, thu hút sự tham gia của hàng trăm khách mời, chuyên gia, doanh nghiệp đến từ 9 quốc gia Đông Nam Châu Á.

Hội nghị năm diễn đàn là để các chuyên gia và các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cùng chia sẻ những thực tiễn, kinh nghiệm triển khai mới nhất và hiệu quả nhất cũng như nắm bắt các cơ hội và giải quyết những thách thức khi cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên LTE.

Đến nay, LTE đã trở thành công nghệ truyền thông di động phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Các nhà khai thác viễn thông cho biết lưu lượng dữ liệu và doanh thu tăng  mạnh từ băng rộng di động và đang tăng cường đầu tư vào hệ thống mạng lưới và cơ sở hạ tầng của họ để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó vẫn còn những thách thức về chi phí triển khai LTE, thác thức trong việc thu hút thuê bao, nâng cao nhận diện thương hiệu, và quản lý sản phẩm.

Theo các diễn giả đến từ GSMA, OVUM, Qualcomm, dự kiến đến hết năm 2015, toàn thế giới sẽ có ít nhất 450 mạng LTE trển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014.

Về lượng thuê bao, tính tới quý 4/2014, LTE tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ đạt 500 triệu thuê bao, tăng hơn 200 triệu thuê bao so với quý 3/2014. Dự kiến đến năm 2020, thế giới sẽ có 3,5 tỉ thuê bao LTE và LTE sẽ được phủ sóng trên 70% dân số toàn cầu tại thời điểm đó.

Trong khoảng thời gian 2015 - 2020, Châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực đứng đầu về sự tăng mới thuê bao LTE, dự kiến có thêm 1,8 tỉ thuê bao, chiếm 60% sự tăng trưởng về lượng thuê bao LTE toàn cầu. Tới năm 2020, số lượng thuê bao băng rộng di động sẽ chiếm 90% tổng số thuê bao di động.

Thiết bị Smartphone 4G của Huawei giới thiệu tại Hội nghị


Về thiết bị, năm 2014, đã có khoảng 1,3 tỷ smartphone được bán ra và có thêm 800 triệu thuê bao smartphone mới. Dự kiến có 6,6 tỉ thuê bao smartphone trên toàn cầu vào năm 2020. Tại các nước Châu Á Thái Bình Dương, lưu lượng dữ liệu trung bình hàng tháng mà các thuê bao smartphone sử dụng năm 2014 là 0,7GB và tới năm 2020 có thể là 3,2GB.

Cũng tại sự kiện này, Huawei đã giới thiệu về công nghệ LTE TDD, hệ thống trạm nhỏ (Small Cell) và ăng-ten cùng các sản phẩm IBS và trình diễn cách thức triển khai những công nghệ này tác động tới các hệ thống mạng và tối đa ưu hiệu quả băng tần trong khu vực Đông Nam Châu Á.

Ông David Sun, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Huawei khu vực Đông Nam Châu Á phát biểu: “Với năng lực đã được chứng minh qua việc triển khai 189 mạng LTE trên toàn cầu, ngày càng nhiều các nhà khai thác viễn thông đã xem Huawei như là một đối tác chiến lược tin cậy cho việc truyển đổi hệ thống mạng của họ. Để đáp ứng sự gia tăng về lưu lượng dữ liệu và thúc đẩy nhu cầu về vùng phủ sóng di động, các nhà khai thác tại khu vực Đông Nam Châu Á đang tìm kiếm các cách thức để triển khai công nghệ LTE và các giải pháp mạng vô tuyến.

Ông Xiao Yu, Phó Chủ tịch, Sản phẩm Giải pháp và Marketing, Huawei khu vực Đông Nam Châu Á cho biết, đến thời điểm hiện tại các nhà  mạng trong khu vực Đông Nam Châu Á đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thương mại hóa LTE từ kỷ nguyên 3G. Vì vậy, khi băng tần được cấp phép, các nhà mạng sẽ có thể khai trương các dịch vụ thương mại trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Nhận diện thách thức và cơ hội khi triển khai LTE

Hiện tại, các quốc gia phát triển trong khu vực có vùng phủ LTE rộng khắp và hiện đang hướng đến việc triển khai LTE-A, trong khi các nhà khai thác lớn ở các quốc gia đang phát triển đã triển khai LTE ở những khu vực đô thị đông đúc từ đầu năm 2013, với số lượng thuê bao đạt khoảng 1 triệu. Một số quốc gia đang phát triển đã triển khai LTE quy mô nhỏ ở những khu vực có giá trị cao.

Theo lãnh đạo Huawei, các nhà khai thác mạng ở khu vực Đông Nam Châu Á sẽ phải đối mặt với những thách thức như vấn đề chiến lược về băng tần và quy hoạch mạng lưới. Đây một trong những thách thức đầu tiên mà các nhà khai thác phải đối mặt trước khi tung ra dịch vụ.

Làm thế nào để LTE có thể giúp tăng doanh thu dữ liệu và thêm giá trị sẽ là những thách thức tiếp theo mà các nhà mạng thường gặp phải.

Còn các cơ hội dành cho các nhà khai thác mạng trong việc triển khai LTE hiện nay là thu nhập của dân cư tăng lên, giá smartphone giảm xuống, cơ sở hạ tầng được cải thiện và triển vọng phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Huawei hy vọng rằng, việc triển khai thương mại LTE tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Châu Á sẽ đến vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, việc triển khai LTE tại các quốc gia đang phát triển vẫn sẽ ở mức khiêm tốn do trên thực tế giá của những smartphone LTE vẫn còn cao so với thu nhập của người dân các nước này. Tại các nước phát triển và đang phát triển, tỷ lệ thuê bao di động LTE sẽ chiếm tương ứng 90% và 30%.

Huawei cũng cho biết thêm, với công nghệ LT nhiều ứng dụng và dịch vụ sáng tạo sẽ được cung cấp. Ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, người dùng LTE tiêu thụ dữ liệu (data) gấp hơn 2 lần so với người dùng 3G nhờ tốc độ nhanh hơn và vì thế trải nghiệm người dùng cũng tốt hơn. Vì vậy, LTE là quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển các ứng dụng dữ liệu nặng, đặc biệt là các dịch vụ video và âm nhạc streaming.

"Với sự hiện diện ở các nhà khai thác lớn trên toàn cầu và trở thành một nhà cung cấp cho các mạng LTE lớn nhất thế giới, sử dụng hầu hết các loại băng tần LTE, Huawei sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết của chúng tôi về các chiến lược và quy hoạch phổ tần mạng khác nhau.

Bên cạnh đó, chúng tôi có một đội ngũ chuyên gia dành cho việc phân tích mạng lưới để bảo đảm các thông số quan trọng được đáp ứng trước khi khai trương dịch vụ và KPI được duy trì nhất quán sau khi dịch vụ được tung ra", ông Xiao Yu khẳng định.

Huawei Southeast Asia LTE Summit 2015 có sự tham dự của các đại diện đến từ Ủy ban Viễn thông và Phát thanh Truyền hình Quốc gia Thái Lan (National Broadcasting and Telecommunications Commission – NBTC), Hiệp hội GSMA khu vực Châu Á, Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu và Qualcomm, cũng như các nhà khai thác viễn thông hàng đầu thế giới và các nhà cung cấp dịch vụ như Spark NZ và HKT.

Trong năm 2014, doanh thu của nhóm kinh doanh giải pháp hạ tầng mạng của Huawei (carrier BG) đã tăng 16,4%, đạt 31 tỉ USD, với sự đóng góp lớn từ việc triển khai các mạng băng rộng di động. Giải pháp LTE đã giành được nhiều giải thưởng của Huawei  là một phần trong chiến lược của tập đoàn để dẫn đầu ngành, đồng thời giúp các nhà khai thác mạng tối ưu hóa hiệu năng và giá trị mạng hiện thời. Huawei đã được trao tặng Giải thưởng của năm về Sáng tạo LTE tại lễ trao giải thưởng Sáng tạo và bình chọn của độc giả tạp chí Telecom Asia 2014 cho giải pháp Sóng mang hội tụ TDD và giải pháp LTE-Advanced FDD và TDD.

Tin liên quan
Tin khác