Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là nước tài trợ lớn nhất cho Việt Nam.
Đặc biệt, chuyến thăm tới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không chỉ có mục đích kỷ niệm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước mà còn thúc đẩy tầm nhìn chung của tương lai. Điều này cho phép Việt Nam lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế vững chắc trong thời gian tới.
Đối tác hàng đầu
Từ Honda, Sony tới các tập đoàn lớn khác liên tục đầu tư như Toyota, Canon… cho thấy số lượng doanh nghiệp và tập đoàn của Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam đang ngày một nhiều hơn cùng quy mô ngày một rộng lớn mạnh.
Không chỉ vậy, mối quan hệ về kinh tế giữa hai quốc gia đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn trong các lĩnh vực khác.
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao bước sang năm thứ 44, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh và năng động nhất.
Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản ở Đông Nam Á.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2016 đạt 6,67 tỷ USD; trong đó, hàng dệt may là nhóm hàng chủ lực, đạt kim ngạch lớn nhất xuất khẩu sang Nhật Bản 1,28 tỷ USD, chiếm trên 19% và tăng 4,79%.
Tiếp sau đó là nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 13,3%, đạt hơn 885 triệu USD; máy móc, thiết bị chiếm 10,7%, đạt hơn 717 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 7,2%, đạt hơn 479 triệu USD.
Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản có thể sẽ đạt tới một tầm cao mới bởi một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương đã được lãnh đạo hai nước đưa ra bàn thảo và thống nhất.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc (năm 1999).
Năm 2011, hai năm sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực, Nhật Bản trở thành thành viên đầu tiên của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất (G7) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ kinh tế bình đẳng giữa hai nước.
Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 28,49 tỷ USD, chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hai nước cũng phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch khoảng 60 tỷ USD.
Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam mang tính bổ sung, không cạnh tranh.
Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất.
Đặc biệt, tại buổi tiếp ngài Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam vào giữa tháng 12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có sự cải thiện nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn ở các lĩnh vực khác.
Đặc biệt, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết sẽ là lực đẩy tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và ngài Đại sứ đã cùng chia sẻ quan điểm hai bên cần tích cực thúc đẩy hợp tác song phương.
Theo đó, dựa trên cơ sở rà soát các dự án hợp tác, đánh giá các khuôn khổ hợp tác hiện có giữa hai nước để đưa ra các sáng kiến hợp tác và giải pháp mới, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Những đề xuất mới có chất lượng và có chiều sâu của cả hai bên sẽ góp phần cho sự thành công của các chuyến thăm lẫn nhau giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian tới.
Nâng cao năng lực
Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương cho biết mặc dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản luôn đạt kết quả tăng trưởng cao nhưng số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều từ các lợi thế này.
Đưa ra minh chứng cụ thể, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương cho rằng thị trường Nhật Bản được coi là khai thác tốt cũng mới đạt 40%, khu vực ASEAN chỉ đạt khoảng 20%.
Lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam thu được từ việc thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế (VJEPA) Việt Nam - Nhật Bản và các FTA đã tham gia nói chung trong những năm qua chưa phản ánh được tiềm năng thương mại trong nước.
Theo nội dung FTA Việt Nam - Nhật Bản, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018.
Khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông-lâm-thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế.
Đổi lại, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần, xuống còn 7% vào năm 2018.
Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.
Trong vòng 10 năm, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh.
Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Vì vậy, ông Lê An Hải khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với đó, cần tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi các Hiệp định mang lại.
Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Nhật Bản, các chuyên gia thương mại cho rằng, doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình năng lực hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh của kinh tế thị trường.
Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên việc phân tích và đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại và đích cần đạt tới...
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là điều phải tính đến trước tiên.
Đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nhật Bản cũng là góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.