Tiêu dùng
Thương mại Việt Nam - Trung Quốc 9 tháng năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD
Thế Hoàng - 12/10/2024 15:03
Tính chung 9 tháng năm 2024, Việt Nam có 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD sang Trung Quốc, trong đó, có 1 nhóm đạt hơn chục tỷ đô là điện thoại và linh kiện (10,86 tỷ USD).
Sầu riêng là nông sản có kim ngạch xuất khẩu tỷ đô sang Trung Quốc chỉ sau 1 năm ký Nghị định thư.

Theo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã đạt gần 150 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt gần 44 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hết tháng 9, có 10 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, có 1 nhóm chục tỷ USD là điện thoại và linh kiện đạt 10,86 tỷ USD.

Tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào từ thị trường này cũng tăng kỷ lục.  9 tháng, Việt Nam chi 105 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 25,6 tỷ USD).

Có 15 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên.

Cán cân thương mại sau 9 tháng, Việt Nam nhập siêu 61,4 tỷ USD, tăng 70,1%, vượt mức nhập siêu của cả năm ngoái khoảng 12 tỷ USD.

Kim ngạch  nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tương đối lớn, tuy nhiên cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên không quá đáng ngại.

Thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, với kim ngạch gần 150 tỷ USD sau 9 tháng của năm 2024, trong đó, xuất khẩu 43,6 tỷ USD, nhập khẩu 105 tỷ USD, tăng lần lượt 1% và 32,5% so với cùng kỳ. Dự báo, thương mại 2 chiều sẽ đạt 200 tỷ USD vào cuối năm nay.

Hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên phụ liệu sản xuất có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Việc vận chuyển hai chiều lại gặp nhiều thuận lợi do vị trí địa lý gần gũi nên doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên nhập khẩu từ thị trường này.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị tuyệt đối không thể cao như mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Hợp tác kinh tế thương mại là động lực chính cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Theo ông Lý Ngạn, Phó vụ trưởng Vụ châu Á (Bộ Thương mại Trung Quốc): “Kể từ năm 2004, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kể từ năm 2016, Việt Nam chính là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN, trong đó rau quả là lĩnh vực có trao đổi thương mại ngày càng lớn”.

Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong, ngày 30/9 tại Bắc Kinh, diễn ra trong chuỗi sự kiện kỳ họp thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị phía Trung Quốc đẩy tiến độ mở cửa thị trường với nông sản, trái cây có thế mạnh của Việt Nam như quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả.

Cùng đó, Bộ trưởng cũng đề xuất nước này sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với một số trái cây đã xuất khẩu theo diện truyền thống để hàng nông sản Việt Nam có cơ hội nhiều hơn đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công thương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hàng hóa, nông sản Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, Trung Quốc đã tạo điều kiện mở cửa thị trường cho nhiều nông sản của Việt Nam như: tổ yến, sầu riêng tươi, dừa tươi và mới đây là sầu riêng đông lạnh.  

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, cánh cửa xuất khẩu trái cây Việt Nam đang mở rộng, nhiều mặt hàng kỳ vọng sẽ đạt tỷ USD trong những năm tới... Năm ngoái, chỉ sau hơn 1 năm mở cửa cho sầu riêng tươi, mặt hàng này đã có doanh thu xuất khẩu hơn 2 tỷ USD .

Đề cập quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, Hà Lập Phong khẳng định, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, toàn diện và ngày càng đi vào thực chất.

Bằng chứng là Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn hàng nông sản từ thị trường châu Á, và khu vực ASEAN, trong đó, nông sản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần. Trái cây Việt Nam như: thanh long, sầu riêng... được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Theo ông Hà Lập Phong, tới đây, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội chợ nhập khẩu lần thứ 7 tại Thượng Hải. Đây là sáng kiến do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khởi xướng, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể tham gia. Thông qua Hội chợ, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng xuất khẩu nông sản chất lượng cao đến người tiêu dùng Trung Quốc và các thị trường đối tác khác.

Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác hợp tác kinh tế thương mại hàng đầu của nhau. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và ở chiều ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN; là quốc gia có quy mô thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới năm 2023.

Tin liên quan
Tin khác