Doanh nghiệp
Thương mại Việt Nam- Hàn Quốc tăng thêm gần 9 tỷ USD
Thế Hải - 17/01/2023 11:59
Năm 2022, thương mại 2 chiều Việt Nam với Hàn Quốc tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, cán mốc gần 87 tỷ USD, tăng thêm gần 9 tỷ USD so với năm trước.
Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc tăng thêm gần 9 tỷ USD, đạt gần 87 tỷ USD.

Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc tăng thêm gần 9 tỷ USD

Thương mại 2 chiều Việt Nam-Hàn Quốc trong năm 2022 đạt gần 87 tỷ USD, tăng gần 9 tỷ USD so với mức 78,1 tỷ USD của năm ngoái, theo Bộ Công thương. Con số xuất nhập khẩu này thấp hơn khoảng 1 tỷ USD công bố của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) mới đây.

Việt Nam đang thực thi 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, là cú hích đáng kể để hàng hóa Việt Nam tăng tốc thâm nhập thị trường Hàn Quốc và tận dụng ưu đãi thuế quan.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt 24,2 tỷ USD, tăng  10,2%, nhập khẩu 62,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 38,3 tỷ USD từ Hàn Quốc.

Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhóm mặt hàng thế mạnh như hàng nông thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục là 1 trong 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Hàn Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, sau Mỹ, EU, Trung Quốc.

Việt Nam đang thực thi 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, là cú hích đáng kể để hàng hóa Việt Nam tăng tốc thâm nhập thị trường Hàn Quốc và tận dụng ưu đãi thuế quan. Trong đó, đáng kể nhất là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2015 đang tạo thuận lợi đáng kể cho hoạt động xuất nhập khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp hai nước.

Sau hơn 6 năm thực thi VKFTA, thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc liên tục tăng trưởng mạnh. Số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2022 đạt hơn 87,7 tỷ USD và mục tiêu của năm nay là 100 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam trở thành đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tính theo năm.

Theo MOTIE, trong số các nước ASEAN, Việt Nam đang nổi lên như một cơ sở sản xuất cho các công ty toàn cầu. Việc Việt Nam trở thành quốc gia đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc là do kết quả các doanh nghiệp Hàn Quốc không ngừng thâm nhập thị trường Việt Nam và 2 nước đã trở thành đối tác kinh tế thân thiết.

Sau Việt Nam, các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Hàn Quốc ghi nhận thặng dư thương mại lớn lần lượt là Mỹ với mức thặng dư 28,04 tỷ USD, Hong Kong (Trung Quốc) với 25,79 tỷ USD, Ấn Độ với 9,98 tỷ USD và Singapore với 9,86 tỷ USD.

Hàn Quốc cũng là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về số vốn đăng ký và số dự án đầu tư với gần 9.500 dự án và hơn 80 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với hơn 370 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.

Mốc 100 tỷ USD không còn xa

Năm 2021, dù đại dịch bủa vây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu 21,9 tỷ USD, tăng 14,9% và đã tăng thêm 9 tỷ USD sau năm 2022.

Theo Bộ Công thương, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển từ đa phần là nông, lâm, thủy sản sơ chế, nguyên liệu thô và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn, như điện tử, nông, lâm, thủy sản chế biến sâu, cơ khí chế tạo và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó hơn 1/2 là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, trong đó có Samsung. Điều đó cho thấy đóng góp quan trọng của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa qua, ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Samsung Electronics - cho biết giá trị xuất khẩu của tập đoàn năm vừa qua đạt 65 tỷ USD, góp gần 9% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trị giá 700 tỷ USD

Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra ban đầu là 69 tỷ USD, Samsung đã hoàn thành 94% kế hoạch. So với năm ngoái, kết quả thực hiện của Samsung giảm nhẹ khoảng 500 triệu USD.

Tại Việt Nam, Samsung đang vận hành tổng cộng 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng.

Với khoản vốn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc mang tới Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy trao đổi thương mại lên một dấu mốc 100  tyr USD như mục tiêu Chính phủ 2 nước đã đặt ra.

Ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Khi những doanh nghiệp lớn như Samsung vào Việt Nam, họ cũng kéo theo các nhà mua hàng từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng.

Quan trọng hơn, chất lượng thực thi các FTA với Hàn Quốc thể hiện ở tỷ lệ hưởng ưu đãi thuế quan cũng nổi trội hơn nhiều thị trường có FTA khác.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tỷ lệ sử dụng ưu đãi theo C/O VK theo VKFTA đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 26,35%; mẫu AK theo AKFTA đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 24,58%. Tổng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc tại 2 FTA trong năm ngoái đạt gần 51% tổng kim ngạch xuất sang thị trường này, chỉ sau Ấn Độ và Chi Lê.

Tin liên quan
Tin khác