Mức thưởng Tết tại Vietcombank luôn ở top đầu của ngành |
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, với vị thế và quy mô của những nhà băng lớn, lợi nhuận tăng trưởng ổn định thì việc chi thêm 3-5 tháng lương để thưởng cho nhân viên trong dịp Tết Nguyên đán là điều dễ hiểu.
Chị Nguyễn Minh Tâm, nhân viên tín dụng của một ngân hàng có vốn Nhà nước cho biết, do tín dụng khách hàng cá nhân khả quan nên đến cuối năm, chị nhận được tin vui khi vượt chỉ tiêu kinh doanh và nhận được mức thưởng xứng đáng với công sức lao động mệt mài trong năm qua. Chị Tâm cho hay, ngoài lương tháng 13, chị sẽ có thêm ít nhất 2 tháng lương nữa. Ngoài ra, còn có thêm phần thưởng vượt chỉ tiêu kinh doanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn H., một nhân viên của Vietcombank cho biết, không chỉ ở dừng lại 2 tháng, mà anh còn được cấp trên thông tin sẽ có mức thưởng cao hơn.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 của Vietcombank cho thấy, nhà băng này đã phải trích lập dự phòng rủi ro tăng 32% trong năm qua, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 59% lên mức 5.672 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về vẫn tăng trưởng 16%, thu nhập của nhân viên ngân hàng trung bình tháng là 24 triệu đồng.
Trong năm 2015, chi phí cho nhân viên của Vietcombank tăng 23%, lên 4.282 tỷ đồng. Tổng số nhân viên tại ngân hàng này tính đến cuối năm 2015 là 14.755 người, tăng 656 nhân sự trong năm. Tính trung bình, ngân hàng trả thu nhập cho mỗi nhân viên khoảng 290 triệu đồng/năm (tương đương 24,16 triệu đồng/tháng), tăng 3,6 triệu đồng/tháng so với năm 2014.
Với một số ngân hàng khác đạt mức lợi nhuận cao trong năm qua như BIDV, Vietinbank, MB, VPBank, Techcombank, Sacombank… thì nhân viên của các ngân hàng này được cho là cũng sẽ có một cái Tết vui trong năm nay. Đơn cử, Vietinbank dự kiến thưởng 2 tháng lương, ngoài lương tháng 13. Vietinbank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong năm qua, đạt 7.360 tỷ đồng, hoàn thành 100,8% kế hoạch.
Trong khi đó, ở một số nhà băng đang tập trung xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, phải “hy sinh” lợi nhuận để trích dự phòng, nhân viên còn không kỳ vọng có tháng 13, nên càng không dám mơ đến chuyện thưởng.
Thế nhưng, không phải nhà băng nào cũng muốn tiết lộ thông tin về mức thưởng Tết cuối năm. Chẳng hạn tại ACB, lãnh đạo nhà băng này chỉ cho biết, năm nay nhân viên ACB sẽ có cái tết vui hơn năm trước, vì ngân hàng đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.134 tỷ đồng.
Các nhà băng cho rằng, nếu công bố mức cao hay thấp đều vấp phải sự phải ứng của thị trường. Mặt khác, nhân viên nhà băng sẽ có sự so sánh thì lúc này khó tránh khỏi việc “chảy máu” chất xám trong thời điểm sau Tết. Song nếu nhìn vào thực tế, mức thưởng Tết của hầu hết doanh nghiệp (có ngân hàng) đều tùy thuộc vào năng lực, thâm niên công tác của từng nhân viên, cũng như tên tuổi, thương hiệu của nhà băng. Điều này cũng được nhân viên của những ngân hàng còn khó khăn hiểu rõ và họ không mong chờ vào việc thưởng Tết cao trong giai đoạn này.
“Trong giai đoạn khó khăn vừa qua và cả hiện nay, giữ được việc làm, lương không bị cắt là tốt rồi, vì ngân hàng đang trải qua quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nên chúng tôi không dám mơ tới thưởng Tết”, ông Hoàng Trung, cán bộ cấp phòng của một ngân hàng vốn 3.000 tỷ đồng tâm sự.