Sau nhiều năm theo đuổi, DTZ nhanh chóng nắm bắt thời cơ khi cổ đông chính của Cushman & Wakefield là EXOR quyết định thoái vốn để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi (EXOR nắm 80,1 % cổ phần của Cushman & Wakefield). Đáng chú ý, dù là người đi thâu tóm nhưng DTZ chấp nhận xóa bỏ thương hiệu của mình và sử dụng một thương hiệu Cushman & Wakefield.
Theo Thông cáo báo chí chính thức từ Cushman & Wakefield tại Việt Nam, Công ty mới sẽ hoạt động dưới thương hiệu Cushman & Wakefield sẽ có doanh thu hơn 5,5 tỷ USD, hơn 43.000 nhân viên toàn cầu và sẽ đại diện khách hàng quản lý hơn 4 tỷ mét vuông bất động sản trên toàn thế giới. Sự sát nhập này được kết hợp bởi sự am hiểu sâu rộng thị trường địa phương và quy mô lớn các dịch vụ cốt lõi tại các thị trường lớn trên thế giới.
Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm và sẽ có những điều kiện kết thúc kèm theo. |
Trước sáp nhập, Cushman & Wakefield phụ trách tư vấn và đại diện cho khách hàng trong mọi dịch vụ bất động sản. Thành lập năm 1917, Công ty có gần 259 văn phòng tại 60 quốc gia với hơn 16,000 nhân viên.
Trong khi đó, DTZ hiện quản lý tài sản lên đến 171 triệu mét vuông, quản lý cơ sở hạ tầng lên đến 124 triệu mét vuông. Công ty đại diện cho khách hàng hoàn tất khối lượng giao dịch trị giá 63 tỷ USD trong năm 2014. Có trụ sở chính tại Chicago, DTZ có hơn 26.000 nhân viên hoạt động trên hơn 260 văn phòng tại 50 quốc gia.
Ông Brett White, người sẽ giữ chức vụ Chủ tịch và CEO của Công ty hậu sát nhập cho hay: “DTZ rất hào hứng với cơ hội được sáp nhập dưới thương hiệu Cushman & Wakefield. Công ty hiện đang là thương hiệu mạnh tại các khu vực địa lý khác nhau - cho dù ở New York, London hay Thượng Hải thì đây sẽ là một sự kết hợp đáng gờm”.
Theo ông, doanh nghiệp phát triển cả chiều rộng và chiều sâu rất quan trọng trong việc phục vụ khách hàng, nó không đơn thuẩn chỉ là về quy mô của Công ty. Cushman & Wakefield và DTZ có những thế mạnh về kiến thức thị trường và dịch vụ chăm sóc khách hàng, đây sẽ thế mạnh giúp chúng tôi tiến về phía trước”. Ông White là một trong những nhà lãnh đạo có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS và trước đây từng là CEO của CBRE.
Thay mặt cho các nhà đầu tư (TPG, PAG và OTPP), Ông Ben Gray, Cộng sự quản lý chung TPG ở châu Á cho biết: "Kỳ vọng của chúng tôi cho một Cushman & Wakefield mới là rất lớn và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các Công ty toàn cầu này tiếp tục tăng trưởng và phát triển thông qua các mối quan hệ, sự nhiệt huyết và nguồn vốn của chúng tôi”.
Sau khi hoàn thành việc sát nhập, Carlo Barel di Sant'Albano, hiện là Giám đốc điều hành quốc tế và Giám đốc điều hành khu vực EMEA của Cushman & Wakefield, sẽ giữ vai trò lãnh đạo cao cấp toàn cầu; John Santora - Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của Cushman & Wakefield, sẽ trở thành Giám đốc điều hành và Giám đốc Hội nhập; Tod Lickerman, Giám đốc điều hành toàn cầu hiện nay của DTZ sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch của Công ty toàn cầu.
Cần phải nhắc lại là, DTZ có cổ đông lớn là quỹ đầu tư TPG. Năm 2014, TPG cũng chi 50 triệu USD để mua lại 49% cổ phần trong công ty nông nghiệp của Tập đoàn Masan. Trước đó, TPG từng bỏ vốn vào Tập đoàn FPT và thoái vốn ngay sau đó với lợi nhuận thu về khá hời.