Thời sự
Thủy điện đe dọa hàng chục triệu dân ở lưu vực sông Mê Kông
Phú Khởi - 23/08/2014 14:47
() Người dân sống ven lưu vực sông Mê Kông tỏ ra lo ngại khi Bộ năng lượng và Mỏ CHDCND Lào cho biết, trong năm 2015 sẽ xây dựng Thủy điện Don Sahong - dự án thủy điện thứ hai (sau Sayabury) trên dòng chính sông Mê Kông.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bổ sung quy trình vận hành 1 loạt hồ chứa thuỷ điện
Lại vỡ đập thủy điện tại Gia Lai, thiệt hại nghiêm trọng
Nhà thầu Trung Quốc và những dự án "có vết" ở Việt Nam
Ủy hội sông Mê Công thông qua Tuyên bố TP.Hồ Chí Minh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khai mạc Ủy hội sông Mê Công quốc tế

Cuộc sống của hàng triệu dân hạ nguồn Mê Kông bị đe dọa

Tại hội nghị lấy ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức tại TP.Cần Thơ, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện mặt trận, đoàn thể tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều bày tỏ sự lo lắng về tương lại và sinh kế của hàng triệu người dân sống trong lưu vực sông Mê Kông.

   
  Sinh kế và an ninh lương thực của 30 triệu người dân sống dựa vào vùng đánh bắt cá của sông Mê Công sẽ bị hủy hoại nếu các đập thủy điện được xây dựng  

Đập thủy điện Do Sahong dự kiến được xây dựng ở cuối nguồn thuộc tỉnh Champasak, giáp ranh với Campuchia. Ngoài ra, Lào cũng đã quy họach 6 đập thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Kông.

Dự án thủy điện Do Sahong tuy có quy mô nhỏ, công suất chỉ 260 MW, nhưng do dòng sông dẫn nước vào thủy điện Hou Sahong gần như là dòng chính lưu thông nước khi mùa khô đến, nên việc đắp đập cao 32 m ngăn dòng, giữ nước làm thủy điện không chỉ làm cho thiếu nước trầm trọng khu vực hạ lưu mà còn làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khi hậu –Đại học Cần Thơ: các loài cá trắng trên sông Mê Kông có tập quán vào mùa khô, cá trưởng thành sẽ di cư từ ĐBSCL lên thượng nguồn, đến tháng 6-7 cá bắt đầu đẻ trứng, trứng nở ấu trùng và các con trôi theo dòng nước xuống hạ lưu để trưởng thành. Việc đắp đập ngăn dòng, làm đảo lộn quy luật tự nhiên, chiều cao đập trên 30 mét nên cá không thể di cư sinh sản sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi này.

Chuyên gia độc lập Mê Kông, ông Nguyễn Hữu Thiện phân tích thêm: khu vực xây dựng dự án Don Sahong ở vùng thác Khone, cách biên giới Campuchia 2 km, có địa hình phức tạp với 17 phân lưu nhưng chỉ có dòng Hou Sahong ít ảnh hưởng của nước thác đổ và đủ lớn để cho cá di cư quanh năm.

Dòng chính từ Nam Lào đến thác Khone có 205 loài cá, trong đó có nhiều loài di cư. Theo số liệu của World Fish Center, lượng di cư cá trên sông Mê Kông có nơi đạt 30 tấn/giờ, khi có đập thủy điện thì sự di cư của cá rất khó khăn, bởi đập cao và thay đổi chế độ thủy văn. Nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này cho thấy: để có thể thu hút nước từ các dòng khác đổ vào Hou Sahong thì phải đào sâu dòng này hàng tỷ m3 đất đá. Vào mùa khô, từ 37-50% nước sông Mê Kông chảy qua dòng Hou Sahong, tức tăng 17 lần so với tự nhiên, việc thay đổi này kéo theo thay đổi thủy văn, thay đổi chế độ phù sa của cả lưu vực.

30 triệu người phải sống chung với “bom nước”

Mê Kông là con sông lớn nhất Đông Nam Á, bắt nguồn từ cao nguyên  Tây Tạng, có chiều dài gần 4.800 km , lưu vực 795.000km2, xuyên qua lãnh thổ 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Sông Mê Kông cung cấp  sinh kế cho 70% cư dân tại khu vực nhờ vào đánh bắt thủy sản, trồng trọt, phát triển thương mại, du lịch…

Mùa lũ lớn của sông mỗi năm cung cấp cho vùng châu thổ 160 triệu tấn phù sa và nhiều sản vật, lưu vực sông Mê Kông được xem là nơi có hệ sinh thái đa dạng sinh học lớn thứ hai trên thế giới (sau lưu vực sông Amazone). Trong đó, ĐBSCL của Việt Nam được xem là vùng ngập nước lớn nhất, có tính đa dạng sinh học rất cao. Mỗi năm vùng này sản xuất hơn 25 triệu tấn lúa, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới khoảng 7 triệu tấn gạo.

Theo số liệu từ Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam: Thời gian qua, các quốc gia Trung Quốc, Lào, Campuchia đã quy hoạch trên 20 đập thủy điện bậc thang trên dòng chính sông Mê Kông. Hiện nay, Trung Quốc đang triển khai xây dựng 8 đập thủy điện ở thượng nguồn, trong đó có 4 đập đã hoàn thành và đi vào khai thác. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu triển khai tiếp 6 đập khác trên lãnh thổ nước mình và dự định đầu tư một số đập thủy điện khác trên lãnh thổ nước Lào.

Lào dự kiến sẽ xây dựng 7 đập thủy điện và liên kết với Thái Lan xây dựng 1 đập thủy điện khác ở vùng biên giới Lào-Thái Lan. Hiện nay đập thủy điện  đầu tiên của Lào là Sayabury công suất 1.285 MW đã hoàn thành 40% khối lượng, dự kiến phát điện thử vào năm 2017, bất chấp sự phản ứng của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng. Campuchia cũng dự định xây dựng 3 đập thủy điện, trong đó đập Sảmbo có vị trí sát Việt Nam, với công suất dự kiến lên đến 2.600MW, dự báo sẽ tác động đến chế độ dòng chảy mùa khô về phía Việt Nam rất lớn.

Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) đối với những đề xuất dự án phát triển thủy điện trên dòng chảy chính Sông Mê Công được Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) công bố vào tháng 10/2010 cho biết: các dự án thủy điện đóng góp khỏang 8% năng lượng cho toàn vùng nhưng làm tổn thất các ngành thủy sản và nông nghiệp 500 triệu USD/năm, hơn 100 loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, thiệt hại 30 triệu USD do giảm sản lượng nông nghiệp và phải đầu tư 30 triệu USD để tăng thêm phân bón, cải tạo hệ thống tưới tiêu vì các đập thủy điện. Sinh kế và an ninh lương thực của 30 triệu người dân sống dựa vào vùng đánh bắt cá của sông Mê Kông sẽ bị hủy hoại nếu các đập thủy điện được xây dựng.

Ông Chương Hoàng Chung, cựu giáo sư trường Đại học Thành phố San Francisco (Mỹ) lo ngại, trong khi lớp băng tuyết ở dãy Hi Mã Lạp Sơn - Tây Tạng đang ngày càng mỏng đi, thì Trung Quốc đang có kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ đô la để dẫn nước ngược dòng lên đầu nguồn, phục vụ cho phát triển thủy điện, việc làm này sẽ càng làm cạn kiệt nguồn nước ở cuối nguồn vào mùa khô.

Ông Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre lo lắng: Nếu các đập thủy điện trên dòng Mê Kông ngăn nước thì xâm nhập mặn vào tỉnh Bến Tre sẽ còn sâu hơn, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân nhiều hơn. Đó là chưa kể đập thủy điện sẽ giữ phù sa lại hồ chứa, môi trường sinh thái quanh hồ chứa bị ô nhiễm nếu thủy điện kết hợp với khu công nghiệp, dân cư làm ảnh hưởng cho cả lưu vực sông Mê Kông.

Ông Trọng cũng đề xuất Chính phủ không cho phép Tập đoàn điện lực Việt Nam tham gia đầu tư thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Các đơn vị, công ty phải “tẩy chay” không mua bán, sử dụng nguồn điện từ các dự án thủy điện gây tổn hại cho cộng đồng.

Một thống kê khác cho thấy, nếu tất cả các đập thủy điện đã quy họach được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông thì 55% chiều dài hạ lưu giống như một hồ chứa nước khổng lồ, hồ chứa này có thể nhấn chìm hàng triệu người người nếu gặp sự cố vỡ, tràn.

Xét về mặt nào đó thì thủy điện là nguồn năng lượng sạch so với năng lượng sản sinh ra từ nguồn nguyên liệu hóa thạch. Thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ làm lợi cho các quốc gia có tiềm năng lớn như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan 3-4 tỷ USD/năm, nhưng cũng gây thiệt hại rất lớn về môi trường sinh thái cho cả vùng và khu vực hạ lưu, nơi không được hưởng lợi gì từ thủy điện như Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác