Sức khỏe doanh nghiệp
Thủy điện Gia Lai tăng vốn gấp rưỡi, dồn lực cho điện mặt trời áp mái
Thanh Thủy - 09/03/2020 15:13
Thủy điện Gia Lai, một mắt xích trong mảng năng lượng của “nhà” Thành Thành Công dự kiến sẽ tăng mạnh vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán là 25.000 đồng/cp, gấp 2,5 lần mệnh giá nhưng vẫn thấp hơn thị giá hiện tại.
TIN LIÊN QUAN
Phần lớn vốn huy động từ phát hành cổ phiếu sẽ dồn cho điện mặt trời áp mái

CTCP Thủy điện Gia Lai (mã GHC – UPCoM) vừa phê duyệt thay đổi phương án sử dụng vốn trong kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo phương án đã trình ĐHĐCĐ thông qua hồi tháng 12/2019, Thủy điện Gia Lai dự kiến phát hành 10,25 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp này lên gấp rưỡi (307,5 tỷ đồng). Giá chào bán mỗi cổ phiếu là 25.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến giúp công ty ghi nhận thêm 153,75 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần nếu phân phối thành công.

Doanh nghiệp điện này hiện do CTCP Điện Gia Lai (mã GEG-HoSE) sở hữu hơn 58% vốn. Điện Gia Lai cũng được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong mảng năng lượng của "nhà" Thành Thành Công. Nếu thực hiện quyền mua, Điện Gia Lai ước tính sẽ bỏ ra gần 150 tỷ đòng.

Phương án phát hành trên vẫn được giữ nguyên, nhưng kế hoạch sử dụng số tiền 256,25 tỷ đồng huy động được đã thay đổi. Theo quyết định mới đây của HĐQT, công ty sẽ dành ra tới 219 tỷ đồng để hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân đang sở hữu mái nhà có diện tích lớn để phát triển các dự án điện mặt trời tại nhiều tỉnh thành gồm: Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bình Thuận, Hậu Giang… Hơn 37 tỷ đồng còn lại được sử dụng để bổ sung vốn lưu động.

Cách đây chưa đầy 3 tháng, phương án sử dụng vốn chỉ dự tính dùng 54 tỷ đồng cho nhóm dự án trên. Thủy điện Gia Lai ban đầu dự tính dùng tới 60% vốn thu về để M&A các dự án thủy điện đang vận hành.

Công ty không nêu chi tiết lý do chuyển sang dồn lực đầu tư điện mặt trời áp mái thay vì thủy điện. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình kinh doanh các năm gần đây, nhiều nhà máy thủy điện sụt giảm nghiêm trọng doanh thu và lợi nhuận do tình hình thủy văn không thuận lợi.

Hai nhà máy thủy điện H’Chan và H’Mun thuộc sở hữu của Thủy điện Gia Lai là nguồn thu chính trong các năm trước. Từ năm 2019, doanh nghiệp điện này có thêm nguồn thu từ điện mặt trời sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án Hàm Phú 2. Nhà máy điện mặt trời cũng giúp bù đắp phần nào nguồn thu giảm sút của hai nhà máy thủy điện. Doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2019 nhờ đó tăng 56%, đạt 244 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc vay nợ nhiều để thực hiện dự án cũng khiến chi phí lãi vay tăng vọt từ chưa đến 100 triệu đồng lên 32 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm 2019 của Thủy điện Gia Lai vì vậy giảm 4%, còn 96,4 tỷ đồng.  

Cũng do đầu tư mạnh vào điện mặt trời, quy mô tài sản của Thủy điện Gia Lai cũng đã mở rộng nhanh chóng với 1.129 tỷ đồng tổng tài sản, gấp 2,44 lần đầu năm. Đối với các dự án điện áp mái, Thủy điện Gia Lai dự tính tổng mức đầu tư xấp xỉ 335 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn huy động từ phát hành cổ phiếu, dự án còn sử dụng vốn vay (100,475 tỷ đồng) và vốn góp của bên sở hữu mái nhờ (dự kiến 15,3 tỷ đồng).

Tin liên quan
Tin khác