Vị tổng giám đốc giữ lời...
Từng được Báo Đầu tư đề cập trong những bài viết trước đây về cách kinh doanh không giống ai trong việc xử lý hàng tồn kho và cho vay đầy “ân tình” với công ty con, báo cáo tài chính quý III/2015 của VNH mới công bố tiếp tục làm các nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu này thêm thất vọng.
Trong quý III/2015, VNH tiếp tục không ghi nhận doanh thu do không có đơn hàng xuất khẩu, mà chỉ có doanh thu từ hoạt động tài chính với vỏn vẹn 3,4 triệu đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí vẫn phát sinh, khiến VNH ghi nhận lỗ 944 triệu đồng và là quý thứ 7 lỗ liên tiếp.
. |
Với lỗ lũy kế 9 tháng năm 2015 lên tới 3 tỷ đồng, kế hoạch doanh thu năm 2015 đạt 60 tỷ đồng, lợi nhuận 4,5 tỷ đồng được VNH thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ ba (tháng 6/2015) xem ra khá xa vời.
Cũng theo Báo cáo tài chính quý III/2015, tổng tài sản của VNH giảm còn 72 tỷ đồng, tương đương mức giảm 13,25% so với đầu kỳ. Đáng chú ý, mặc dù không còn là công ty con, nhưng Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật vẫn có liên quan tới VNH khi Báo cáo tài chính quý III/2015 cho thấy, trong 23,1 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn thì vẫn có tới 13,34 tỷ đồng phải thu đối với Phú Nhật và VNH còn tạm ứng vốn lưu động cho Phú Nhật 9,15 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế của VNH tiếp tục tăng lên 46 tỷ đồng, tương đương 58% vốn điều lệ.
Với kết quả như vậy, có lẽ ông Nguyễn Văn Nhựt đã thực hiện lời hứa tại Đại hội đồng cổ đông bất thành lần thứ nhất tổ chức ngày 4/5/2015. Tại đại hội bất thành này, ông Nhựt tuyên bố mong muốn tìm người thay thế ông giữ chức Tổng giám đốc, nhưng ông vẫn tiếp tục giữ vị trí trong Hội đồng Quản trị (HĐQT) để vực dậy VNH.
Quả nhiên, ông Nhựt mới đây đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc vì lý do sức khỏe và việc này đã được HĐQT (do ông làm Chủ tịch) biểu quyết thông qua. Đồng thời, 2 ngày sau đó, HĐQT VNH đã công bố ông Trần Quang Minh là tân Tổng giám đốc của VNH.
… hay chiêu rút lui êm ái?
Mặc dù ông Nguyễn Văn Nhựt giữ đúng lời hứa khi tìm được Tổng giám đốc mới cho VNH, nhưng biên bản họp HĐQT của VNH về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Tổng giám đốc chưa thể hiện được sự thay đổi của VNH khi vẫn xuất hiện những gương mặt thành viên HĐQT cũ.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, nhóm cổ đông dự định thâu tóm VNH bằng việc mua lại cổ phiếu tương ứng 5% vốn điều lệ của VNH do nhà đầu tư có tên Lê Ngọc Nguyên (Hải Phòng) đại diện đã thoái toàn bộ vốn.
Theo Điều 24, Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNH, cổ đông cá nhân nắm giữ ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông trong 6 tháng trở lên mới có quyền tham gia HĐQT, do đó, rất có khả năng, VNH vẫn chưa có cổ đông mới đủ điều kiện để tham gia HĐQT.
Trong khi đó, các thành viên HĐQT hiện nay của VNH đều là người làm thuê, trong khi người nắm giữ nhiều cổ phiếu VNH nhất trong HĐQT là ông Nhựt thì đã thoái gần hết vốn (chỉ còn giữ 0,65% vốn điều lệ VNH).
Những cá nhân liên quan đến ông Nhựt trước đây từng nắm giữ hơn 6% vốn VNH cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu trong năm 2014 và chuyển sang giữ vị trí chủ chốt tại công ty con là Phú Nhật. Cụ thể, bà Trần Thị Thúy (vợ ông Nhựt) hiện là cổ đông lớn, nắm giữ 52% cổ phần và ông Nguyễn Văn Triển (con trai ông Nhựt) là Giám đốc tại Phú Nhật.
Kinh doanh thua lỗ do nhiều nguyên nhân, VNH đã phải chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản của Công ty tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc năm 2013 và thoái vốn khỏi công ty con là Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật, đồng nghĩa với việc VNH hoàn toàn mất năng lực sản xuất. Tại Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị kiểm toán là RSM DTL Auditing cũng “nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.
Chưa biết vị Tổng giám đốc mới của VNH có thể vực dậy Công ty sau thời gian dài thua lỗ hay không, nhưng việc không có cổ đông lớn cùng với khả năng sản xuất trở lại rất khó khăn của VNH khiến việc thay người cầm lái công ty này dường như chỉ là động thái cuối cùng trước khi rút lui khỏi VNH của ông Nhựt.