Thủy sản là một trong những mặt hàng tận dụng hiệu quả cơ hội tăng xuất khẩu sang Canada sau khi CPTPP có hiệu lực. |
Đồ gỗ, giày dép, túi xách tăng trưởng mạnh
Theo số liệu thống kê vừa được Bộ Công thương công bố, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada đạt 1,18 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tiếp tục tập trung vào các mặt hàng truyền thống có lợi thế như dệt may; thủy sản; giày dép; gỗ và sản phẩm; hàng nông sản... Trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 41,4%, túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 21,5%.
Sau 4 tháng, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Canada 896,14 triệu USD, tăng rất mạnh 73,4% so với cùng kỳ.
Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định, thương mại của Việt Nam với một số thị trường là thành viên nội khối đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu Phó thủ tướng đưa ra, xuất khẩu sang Canada đã tăng trên 70%, Mexico trên 8%. Đây là những nước Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do trước đó. "Điều này cho thấy CPTPP đã bắt đầu có tác dụng”, Phó thủ tướng nói tại phiên chất vấn.
Cụ thể là, Peru sẽ xóa bỏ 32% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu vào nước này trong lộ trình 6 năm, Mexico xóa bỏ 50% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 10 năm.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, tuy thị phần hàng Việt Nam tại Canada hiện chiếm chưa đến 1% lượng hàng nhập khẩu của Canada nhưng nhiều mặt hàng của Việt Nam lại được đón nhận rất tốt tại thị trường này như dệt may, da giày, thủy sản, hàng nội thất...
Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm, nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau, quả…cũng bước đầu tăng trưởng xuất khẩu tích cực trong thời gian qua.
Ngoài dệt may, giày dép, thủy sản cũng là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này, khi nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao như cá basa chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada; tôm đông lạnh và tôm chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm 1/3 thị phần; cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh chiếm 8% thị phần...
Thị trường rộng lớn
Với 11 nước thành viên, CPTPP là Hiệp định quan trọng, mang tới nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.
Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, có 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ bao gồm: Canada, Chile, Mexico và Peru. Trong số này, có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru. Đặc biệt, đây đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Canada (94%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%).
Bộ Công thương đánh giá, Canada tiếp tục theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại và có nền kinh tế tương đối mở, với chủ trương đa dạng hóa thị trường đầu tư và thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ, đây là thời cơ lớn cho những mặt hàng xuất khẩu triển vọng kể trên của Việt Nam.
Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương với Canada. Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ 14/1/2019 được coi là đòn bảy thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa hai nước.
Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thị trường Canada mang lại rất nhiều cơ hội để ta đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là đối với một số mặt hàng .
Không ngồi chờ cơ hội, một số ngành hàng xuất khẩu lớn đã có những chuyến đi để tiếp xúc khách hàng Canada, lên kế hoạch điều chỉnh sản xuất để tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Trong tháng 5 vừa qua, đích thân ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex đã dẫn đầu đoàn gồm hơn 10 doanh nghiệp lớn tới Canada trong chương trình Xúc tiến thương mại tại Canada. Rất nhiều trong số các nhà nhập khẩu có doanh số lên tới 1 tỷ CAD như Tập đoàn VF, Atlantic sportwear, Giant Tiger, Moose Knuckles, Dynamite, Reitmans, Penningtons, Lululemon…
Thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại Canada nói riêng và CPTPP nói chung hiện chưa tới 10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. Việt Nam chiếm 5% trong tổng 13-14 tỷ USD nhu cầu hàng dệt may tại Canada. Tỷ lệ thị phần này tương đương với tại Campuchia.
“Thị phần này hoàn toàn chưa tương xứng với vị thế của một nước xuất khẩu dệt may đứng thứ hai thế giới như Việt Nam. Dệt may đang có thị phần tại Mỹ lên tới 14%, thì việc thị phần tại Canada còn thấp thực sự là một tiềm năng cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, nhất là khi Canada và Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP", ông Trường nói.
Theo ông, tất cả doanh nghiệp hiện đều có cơ hội tiếp cận với một chính sách thuế quan tốt hơn nếu thỏa mãn được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Ông Trường hy vọng với CPTPP, Việt Nam có thể tăng thị phần tại Canada lên 12-14%, tương đương mức tại các thị trường lớn khác.
Năm 2019, ngành dệt may kỳ vọng đưa Canada trở thành thị trường xuất khẩu tỷ USD.