Sức khỏe doanh nghiệp
Thủy sản Mekong về đích trong khe cửa hẹp?
Lâm Vũ - 30/10/2021 13:26
Dù báo lãi trở lại trong quý III/2021, song triển vọng hoàn thành mục tiêu không lỗ năm 2021 của Công ty cổ phần Thủy sản Mekong được đánh giá còn rất nhiều khó khăn.
Thủy sản Mekong báo lãi 142,14 triệu đồng trong quý III/2021, đảo chiều từ mức lỗ 4,43 tỷ đồng cùng kỳ năm trước

Quý III thoát lỗ nhờ đầu tư chứng khoán

Kết thúc quý III/2021, Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (Thủy sản Mekong) cho biết, doanh thu giảm đến 47% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 13,76 tỷ đồng, với sự sụt giảm tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Doanh thu nội địa trong kỳ chỉ đạt 6,02 tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2020; còn doanh thu xuất khẩu giảm đến 45,3%, chỉ đạt 7,73 tỷ đồng.

Mặc dù giá vốn hàng bán trong kỳ giảm 45,2% so với quý III/2020, song tình trạng giá vốn vượt doanh thu vẫn tiếp diễn, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh chính lỗ gộp 188,9 triệu đồng.

Trong bối cảnh đó, hoạt động tài chính đã trở thành yếu tố quan trọng giúp Công ty có lãi, khi đem về doanh thu 2,55 tỷ đồng, tăng 12,2 lần cùng kỳ năm ngoái, nhờ ghi nhận lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu và tín phiếu lên đến 2,46 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Thủy sản Mekong cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh có giá trị 4,13 tỷ đồng, với gần như toàn bộ là giá trị của 237.082 cổ phiếu của CTCP Thủy sản Cửu Long - một doanh nghiệp chưa niêm yết. Trong quý III/2021, khoản đầu tư 75.000 cổ phiếu IPA của CTCP Tập đoàn I.P.A đã được Công ty thanh lý.

Nhờ sự khởi sắc của hoạt động tài chính cùng chi phí bán hàng và chi phí quản lý được tiết giảm giúp Công ty báo lãi 142,14 triệu đồng trong quý III/2021, đảo chiều từ mức lỗ 4,43 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, xác định tình hình kinh doanh năm nay còn nhiều khó khăn, lãnh đạo Công ty đã trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng là “không bị lỗ”.

Mặc dù báo lãi trong quý III, nhưng với lợi nhuận còn khá nhỏ so mức lỗ ghi nhận sau 9 tháng là 4,07 tỷ đồng, nên việc việc hoàn thành mục tiêu sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình kinh doanh quý IV/2021.

Tồn kho lớn, dòng tiền đầu tư hạn chế

Thủy sản Mekong là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi cá tra, chế biến cá tra đông lạnh, với thị trường xuất khẩu chiếm trên 75% tổng sản lượng cá tra đông lạnh trong năm 2019 và 2020, tiêu thụ nội địa chiếm chưa đến 25% tổng sản lượng.

Thủy sản Mekong là doanh nghiệp có tuổi đời khá lâu năm, song kết quả kinh doanh của Công ty những năm gần đây không mấy khả quan.

Với danh mục đầu tư tài chính đã thu hẹp, triển vọng ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý IV/20221 của Thủy sản Mekong khó khả quan.

Cụ thể, trước khi ghi nhận doanh thu giảm đến 46% trong năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu của Công ty đã liên tục đi xuống trong giai đoạn 2011 - 2019, với doanh thu năm 2019 chỉ tương đương 1/3 doanh thu năm 2011.

Mặc dù sở hữu cơ cấu tài chính mạnh, không sử dụng nợ vay, các khoản nợ phải trả chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu nguồn vốn, song nguồn lực thặng dư của Thủy sản Mekong cũng không thực sự dồi dào, do khoản phải thu và tồn kho chiếm lượng lớn nguồn vốn hoạt động của Công ty.

Tính đến ngày 30/9/2021, giá trị tồn kho của Thủy sản Mekong đạt 117,43 tỷ đồng, chiếm 59,6% tổng tài sản. Trong đó, tồn kho thành phẩm có giá trị 78,8 tỷ đồng, còn chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang đạt 35,57 tỷ đồng.

Việc duy trì tồn kho cao trong điều kiện kinh doanh khó khăn, doanh thu sụt giảm một mặt ảnh hưởng đến dòng tiền, tốn chi phí lưu kho, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận; mặt khác tiềm ẩn nguy cơ tổn thất, suy giảm giá trị nếu thị trường đầu ra không thuận lợi.

Từ năm 2018 đến nay, vòng quay tồn kho của Thủy sản Mekong liên tục giảm, tương ứng số ngày lưu kho bình quân ngày một tăng cao. Nếu như năm 2018, số ngày tồn kho bình quân là 105 ngày, thì năm 2019 đã tăng lên 166,9 ngày và năm 2020 là 351,5 ngày. Trong 9 tháng đầu năm 2021, vòng quay hàng tồn kho của Công ty chỉ 0,61 lần, tương ứng số ngày tồn kho tính theo năm lên đến 438 ngày.

Trong khi đó, suốt nhiều năm, Thủy sản Mekong không ghi nhận hoạt động đầu tư nào đáng kể. Dòng tiền đầu tư tài sản cố định chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Với giá trị đầu tư khiêm tốn như vậy, nhiều khả năng, Công ty chỉ đầu tư thay thế các thiết bị cũ để duy trì sản xuất. Sự suy giảm về doanh thu có thể là nguyên nhân khiến việc đầu tư hạn chế và việc hạn chế đầu tư cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến công tác phát triển thị trường, khách hàng, nhất là trong bối cảnh áp lực cạnh tranh từ các đối thủ gia tăng.

Tính đến ngày 30/9/2021, giá trị tài sản cố định hữu hình chỉ còn lại 6,9 tỷ đồng, tương đương 7,8% nguyên giá. Trong đó, máy móc, thiết bị đã khấu hao đến 93,2%. Tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản chỉ 3,5%. Điều này cho thấy, đa phần máy móc, thiết bị đã khá cũ kỹ.

Với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, kỳ vọng hoạt động của các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phục hồi, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Tuy vậy, giá cước vận tải biển tục tăng cao vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp. Trong khi đó, với danh mục đầu tư tài chính đã thu hẹp, triển vọng ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý IV của Thủy sản Mekong khó khả quan.

Tin liên quan
Tin khác