Tiêu dùng
Thủy sản, trái cây lo “tắc đường” sang Trung Quốc
Thế Hoàng - 06/12/2020 12:08
Việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng nông, thủy sản đông lạnh nhập khẩu do Covid-19 đang khiến doanh nghiệp Việt Nam lo ngại ách tắc xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong 11 tháng đạt 1,15 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đ.T

Trung Quốc siết kiểm dịch

Từ ngày 10/11/2020, cơ quan thẩm quyền tại các cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn và quan trọng như Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo…

Theo quy định mới này, các lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ phải lấy mẫu kiểm tra virus nCoV trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng.

Thực tế, thời gian kiểm soát từ khi lấy mẫu đến khi trả kết quả để thông quan chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng, khiến nhiều lô hàng cá tra đang bị ách tắc tại cảng.

Với quy định mới này, các mặt hàng thủy sản, rau củ xuất sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, bởi đây là thị trường xuất khẩu chính của nhiều loại nông, thủy sản  của Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với quy định trên, thời gian giao hàng sẽ kéo dài hơn. Nếu như trước đây, thời gian giao hàng khoảng 1 ngày, thì giờ đây phải mất ít nhất 3 ngày, tức kéo dài gấp 3 lần. Đó là chưa kể các chi phí phát sinh từ kiểm hàng, lưu bãi, lưu công đối với hàng đông lạnh cũng rất lớn, trong khi giá xuất khẩu giảm.

Trong khi đó, nhu cầu về hàng thủy sản của Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng đang rất cao, bởi thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp tăng cường nhập hàng để chuẩn bị cho dịp Tết.

Tương tự, trái cây xuất chính ngạch sang Trung Quốc cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Hiện tại, với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu lượng lớn thanh long, chuối, xoài, dưa hấu sang Trung Quốc… phục vụ thị trường cuối năm, nếu tiến độ thông quan nhập khẩu bị chậm lại, thì sẽ bị đội chi phí và ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Trong tháng 10/2020, xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc đạt 119,2 triệu USD, giảm 33,7% so với tháng 10/2019 và tiếp tục giảm ở mức tương tự trong tháng 11/2020. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh đã dẫn đến hàng rau quả xuất khẩu trong cả năm 2020 giảm mạnh theo, bởi hàng rau quả xuất sang thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao.

Trong 11 tháng, tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 1,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 2,243 tỷ USD. Còn thủy sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,15 tỷ USD, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021 chưa dễ thở

Thực tế, nhập khẩu nhiều loại nông, thủy sản của Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm 2020 và dự báo tiếp tục suy giảm trong năm tới do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với lo ngại thủy sản nhập khẩu bị nhiễm Covid-19.

Trong khi đó, thủ tục nhập khẩu với các công ty thương mại nội địa Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt hơn vì có nhiều bằng chứng cho thấy, Covid-19 có thể truyền nhiễm qua các lô hàng thủy sản. Trong tháng 6/2020, đã phát hiện vụ việc cá hồi tươi nhập khẩu liên quan đến sự bùng phát Covid-19 ở Bắc Kinh. Tháng 7/2020, virus nCoV được phát hiện trên bao bì tôm nhập khẩu của Ecuador. Các lô hàng cá minh thái Nga, cá hố và cá bơn Indonesia sau đó cũng phát hiện có virus nCoV.

Theo thống kê của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), với nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Năm 2021 được dự báo sẽ chưa dễ thở với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có nông sản -  mặt hàng nhạy cảm xuất sang Trung Quốc, bởi chưa có vắc-xin chống Covid-19, nên phải áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu trong điều kiện Việt Nam kiểm soát khá thành công dịch bệnh, Bộ Công thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc..., kể cả khi hết đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần bình tĩnh, tránh nôn nóng chào giá thấp, hạ giá cá tra nguyên liệu, vì việc này không những không giúp giải tỏa ách tắc hàng ở cảng, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin, kịp thời xuất hàng đến cảng, đồng thời thương lượng để điều chỉnh lịch xuất hàng hợp lý.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
Tin liên quan
Tin khác