Đầu tư
Tích tụ, tập trung ruộng đất phải có bàn tay nhà nước
Hữu Tuấn - 25/06/2018 08:47
Đó là khẳng định của ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về vấn đề nóng xoay quanh chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn.

Dường như chúng ta vẫn chưa có một chính sách rõ ràng đối với tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp, thưa ông? 

Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp mà trực tiếp tổ chức lại ruộng đất không chỉ mới đây, mà đã diễn ra hàng chục năm. Chúng ta thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng, nên buộc phải tập trung đất đai hoặc tích tụ ruộng đất. Chúng ta từng “dồn điền, đổi thửa” đến nay chưa xong, chúng ta từng tổ chức “cánh đồng mẫu lớn”, sau này là “cánh đồng lớn” và cũng đang dở dang. Hiện vẫn đang chưa rõ ràng về chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trước hết, tôi khẳng định rằng, tích tụ ruộng đất, tập trung ruộng đất không thuộc về nhu cầu bức xúc của người nông dân, mà tùy nơi, tùy lúc thuộc về nhu cầu của doanh nghiệp. Mới có 0,9% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp có nhu cầu bức xúc về đất đai sản xuất là họ cần một diện tích lớn đất đai, nên tạo ra áp lực với bộ máy chính quyền địa phương, nhà nước. Đây là nhu cầu có thật và phải tháo gỡ cho doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp muốn phát triển, thì nhất thiết, doanh nghiệp phải đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt. Muốn dẫn dắt, doanh nghiệp phải làm ăn có lãi, phải có quỹ đất để phát triển sản xuất.

Vậy vướng mắc trong tích tụ, tập trung ruộng đất hiện nay là gì?

Tôi cho rằng, chúng ta chưa phân định rõ các hình thức tích tụ, tập trung đất đai để ban hành các chính sách phù hợp.

Cần phân biệt rõ tích tụ và tập trung ruộng đất khác nhau về bản chất. Tập trung ruộng đất là quá trình tập hợp ruộng đất của nhiều người lại để cùng canh tác trên một cánh đồng, cùng một sản phẩm, nhưng hình thức sở hữu đất vẫn thuộc về nông dân. Còn tích tụ ruộng đất thì bản chất là người nông dân đã bán ruộng đất, bán quyền sở hữu, quyền sử dụng đó cho cá nhân, doanh nghiệp. 

Bản chất hình thức tập trung ruộng đất cũng có 3 loại: doanh nghiệp tập trung ruộng đất của nhiều người lại cùng sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”; nông dân cho doanh nghiệp thuê dài hạn và người dân vẫn làm trên ruộng của mình theo một quy trình nhất định; góp vốn bằng đất vào doanh nghiệp. Cả 3 mô hình này, người nông dân vẫn sở hữu đất, có thu nhập và được làm việc trên chính mảnh đất của họ.

Mỗi mô hình cần có những chính sách như thế nào, thưa ông? 

Tôi hoàn toàn ủng hộ các hình thức tập trung ruộng đất. Nhưng không phủ nhận hoàn toàn việc tích tụ ruộng đất. Lý do là, doanh nghiệp cũng cần một quỹ đất nhất định, không chỉ để làm văn phòng, nhà xưởng, kho bãi…, mà để sản xuất làm mẫu đối chứng với diện tích lớn còn lại. Ví dụ, doanh nghiệp cần 10.000 ha để sản xuất, thì họ chỉ cần tích tụ 500 -1.000 ha, còn lại là hình thức tập trung ruộng đất của dân. 

Đối với hình thức tích tụ ruộng đất, Chính phủ cần có chính sách cho phép tích tụ theo cơ chế thị trường. Cần cho phép người mua là doanh nghiệp và người bán là nông dân tự thỏa thuận chuyển nhượng. Còn nếu tích tụ vẫn theo hình thức chính quyền đứng ra thu hồi của nông dân rồi giao đất cho doanh nghiệp thì sẽ luôn phát sinh khiếu kiện, khiếu nại, gây bất ổn xã hội. 

Đối với 3 hình thức tập trung ruộng đất nêu trên, vẫn cần có sự can thiệp của nhà nước để đảm bảo cam kết của doanh nghiệp với người dân. 

Theo ông, có cần quy định thời hạn sở hữu, hạn điền đối với doanh nghiệp hay không và nếu có thì mức nào là hợp lý?

Theo quan điểm của tôi, đối với mô hình tập trung đất đai, đừng ngại vấn đề hạn điền. Quy mô lớn đến mấy vẫn thuộc sở hữu của nông dân. Nhưng tích tụ ruộng đất thì cần hạn điền. Hạn điền hiện tại đang quá thấp, quá ít. Chỉ có điều, cần lưu ý và có giải pháp chống đầu cơ đất, gom đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Đối với thời gian sở hữu, với các loại cây trồng ngắn ngày thì không có vấn đề gì. Nhưng đối với những loại cây dài ngày, lâu năm, phải ưu tiên theo chiến lược phát triển theo chu kỳ thời gian. Có những loại cây 20 - 30 năm/chu kỳ, thì cần có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư trên 2 chu kỳ, bởi đầu tư 1 - 2 chu kỳ đầu khó thắng lợi. Ví dụ với cây cao su, thời gian khai thác là 30 năm, nếu hạn mức thời gian 50 năm như hiện nay thì dở dang giữa 2 chu kỳ, nên doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư. 

Nhưng để tháo gỡ hạn mức, hạn điền, phải sửa Luật Đất đai, phải qua một quy trình khá dài, trong khi thực tế, nhiều địa phương không thể chờ được. Giải pháp tháo gỡ chính sách nào cho hợp lý, thưa ông? 

Tôi cho rằng, ngoài việc cần chính sách riêng cho mỗi loại hình tích tụ và tập trung ruộng đất, thì còn cần chính sách cho mỗi địa phương. Mỗi địa phương có cách làm riêng, áp dụng những mô hình khác nhau, sản phẩm khác nhau, nên Chính phủ cần có chỉ đạo thí điểm, rút kinh nghiệm đối với từng địa phương, từng vùng. Chính phủ nên thành lập các tổ công tác về các địa phương đang có nhu cầu, đang tiến hành thí điểm, đang thực hiện để nghiên cứu, tổng kết, để có thể đưa ra ngay chính sách phù hợp. Không cần phải chờ sửa luật, không cần phải chờ ban hành văn phản pháp luật vẫn có thể tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư nhanh, mạnh, lớn vào nông nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác