Y tế - Sức khỏe
Tiêm vắc-xin vẫn là cần thiết để ứng phó với biến thể Omicron
D. Ngân - 29/11/2021 16:57
Các chuyên gia y tế lo ngại nếu biến thể mới Omicron lây lan nhanh, vắc-xin không còn tác dụng, nhiều người nhiễm sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế.
Các chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ  lây lan nhanh, vắc-xin không còn tác dụng sẽ có nhiều người nhiễm sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế. 

Cảnh giác cao độ

Nói về nguy cơ của biến thể mới Omicron, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế lo ngại, biến thể mới nếu vô hiệu hóa các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay và mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm.

“Hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người. Nhưng, nếu nguy cơ lây lan nhanh, vắc-xin không còn tác dụng với nhiều người nhiễm thì có thể sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế”, ông Phu nêu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ vô hiệu hóa vắc-xin còn cần tiếp tục nghiên cứu.

Trước lo ngại của người dân trong nước về biến chủng mới Omicron có tốc lây lan nhanh gấp nhiều lần, ông Phu cho rằng cách phòng bệnh tốt nhất là dừng các chuyến bay tới các nước châu Phi đang có dịch; tăng cường kiểm soát dịch bệnh biên giới, cửa khẩu, đặc biệt, cần phải lưu ý người ở châu Phi đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam. 

Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho rằng cần làm các xét nghiệm trong nước, lấy mẫu, điều tra dịch tễ, giải trình tự gen. “Chúng ta phải nâng cao cảnh giác, không phải lệnh giãn cách diện rông như trước đây nhưng càng hạn chế tụ tập đông người càng tốt. Thực hiện tốt thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, chuyên gia nêu.

Còn theo ông Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bằng chứng sơ bộ mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron tăng lên so với các biến thể khác trước đây.  

Thông qua đánh giá so sánh, Omicron đã được chứng minh là có khả năng liên quan một hoặc nhiều thay đổi sau đây: Tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học Covid-19.

Tăng độc lực hoặc thay đổi biểu hiện bệnh lâm sàng; tăng mức độ nghiêm trọng (nhập viện hoặc tử vong); giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội, sức khỏe cộng đồng và các phương pháp chẩn đoán, điều trị và vắc-xin có sẵn.

Chi tiết hơn, biến thể Omicron có số lượng đột biến cao bất thường, với khoảng 32 đột biến về protein gai, loại protein quyết định khả năng bám dính và xâm nhập vào các tế bào mà chúng tấn công. Đáng chú ý, biến thể Delta chỉ có 9 đột biến tại protein gai, cho nên con số 32 đột biến là hết sức lớn. 

Chính vì vậy, các nhà khoa học lo ngại những đột biến đó có thể làm cho biến thể này dễ lây lan hơn và có thể dẫn đến việc né tránh miễn dịch. Thực tế đã chứng minh điều này là đúng bởi so sánh với biến thể Delta, Omicron dễ lây lan hơn nhiều. 

Thông thường, phải mất vài tháng để một chủng biến thể chiếm ưu thế, lây lan trong một khu vực, trong khi biến thể Omicron lây lan rất nhanh chóng ở Nam Phi, chỉ trong vài ngày đến vài tuần chứ không phải vài tháng.

Dự phòng và kiểm soát là yếu tố sống còn

Về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 với biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, biến chủng mới có đáp ứng với vắc-xin hay không vẫn cần được nghiên cứu, nhưng việc tiêm chủng vắc-xin như đang triển khai vẫn là rất cần thiết. 

Theo ông Sơn, chúng ta vẫn cần khẩn trương bao phủ vắc-xin Covid-19 càng rộng càng tốt để đảm bảo phòng dịch cho cộng đồng, vì không chỉ với chủng mới mà việc đối phó, ngăn chặn lây nhiễm biến chủng Delta cũng hết sức cần thiết. Tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong.

Đối với Việt Nam, từ kinh nghiệm chiến đấu với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, chỉ cần lọt một trường hợp đã có thể để lại những hậu quả rất lớn. Việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. 

Do đó, trong khi còn trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa lại phải tăng cường thêm một bậc. 

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu ý kiến, ngành Y tế cần bám sát thông tin lưu hành của biến chủng và khuyến nghị tăng cường rà soát nhập cảnh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới.

Ngành an ninh cần kiện toàn sớm hệ thống kiểm soát định danh để trong thời gian ngắn nhất xác định được các tiếp xúc nguy cơ nếu xác định được trường hợp đầu tiên. 

Công tác truyền thông cũng cần tăng cường trong thời gian tới nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và tự dự phòng tốt hơn.

Trong mọi trường hợp, cần định kỳ giải trình tự gien theo tỷ lệ của các bệnh nhân mới ghi nhận, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch có yếu tố lây về từ nước ngoài để không bỏ lọt những chủng virus nguy hiểm. 

Kèm theo đó, việc tiếp cận với các quốc gia, các hãng dược/vắc-xin để có được thông tin mã di truyền giúp điều chỉnh công nghệ vắc-xin trong nước là việc cũng phải nhắm tới ngay để có thể có sản phẩm vắc-xin trong nước cho tiêm mũi tăng cường đặc biệt cho chủng mới. 

"Đây không phải chỉ là vấn đề về chỉ đạo mà cần có những hỗ trợ thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin sinh phẩm chẩn đoán sớm có được sản phẩm cũng như đầu ra cho sản phẩm phục vụ chống dịch", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu.

Còn quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội thì cho rằng, dù biến chủng này chưa xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta vẫn cần tập trung trong việc giám sát và có sự chuẩn bị từ trước.

Theo đó, chúng ta cần tăng cường tiêm chủng vắc-xin cho người dân, tiếp tục thực hiện 5K. Ngoài ra, chúng ta phải có chương trình giám sát phát hiện ca bệnh cũng như giám sát biến đổi gene của các biến chủng nhập cảnh.

Trong trường hợp biến chủng có thể xâm nhập trong tương lai, PGS.TS. Hùng cho rằng những biện pháp phòng dịch đang được Việt Nam áp dụng hiện nay vẫn có hiệu quả, bất chấp khả năng lây nhiễm của virus có thể sẽ cao hơn.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động giám sát để phát hiện sớm biến chủng mới, tránh để virus xâm nhập sâu vào cộng đồng rồi mới phát hiện. Khi đó, tình hình sẽ rất phức tạp và nguy hiểm”, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, qua giám sát dịch tễ của SARS-CoV-2, Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch;

Bộ này yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. HCM chủ động giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ khu vực Nam Phi.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến/đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Tin liên quan
Tin khác