Việc thu xếp nguồn vốn tín dụng đang là vướng mắc lớn nhất tại Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Nội dung cam kết này vừa được UBND tỉnh Tiền Giang gửi tới các ngân hàng: Vietinbank, BIDV và AGRIBANK – những nhà tài trợ vốn tín dụng cho Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong công văn số 3862/UBND – KTTC.
Theo đó, văn bản do ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký gửi các ngân hàng cam kết, khi đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành, đưa vào sử dụng thu phí hoàn vốn đầu tư, trong phạm vi thẩm quyền của mình, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ không thay đổi về quy hoạch giao thông như đầu tư các tuyến đường giao thông có hướng tuyến tương tự gây ảnh hưởng đến lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông của Dự án và không ban hành các chính sách khác ảnh hưởng đến phương án tài chính, dòng tiền trả nợ của Dự án.
Trường hợp thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về quy hoạch GTVT có ảnh hưởng đến Dự án, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ cùng các ngân hàng tài trợ vốn và doanh nghiệp dự án báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT xem xét đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính Dự án.
Được biết, cam kết bằng văn bản trên được đưa ra sau cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Tiền Giang, các ngân hàng và doanh nghiệp dự án được tổ chức hôm 5/9, trong đó có thống nhất nội dung: “Bất kỳ sự thay đổi về quy hoạch giao thông và các chính sách khác ảnh hưởng bất lợi tới phương án tài chính, dòng tiền trả nợ của Dự án đều cần sự thống nhất trước với các ngân hàng cho vay hợp vốn”.
Cũng tại công văn số 3862, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị các ngân hàng sớm hoàn thành quá trình thẩm định, đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng Dự án trong tháng 9/2019, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án sớm giải ngân nguồn vốn tín dụng để đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài cam kết về quy hoạch, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đang xin ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan đến lộ trình tăng mức giá Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Cụ thể, để Dự án có thời gian thu phí hoàn vốn không quá 15 năm, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự kiến áp dụng mức giá vé khởi điểm là 2.100 đồng/km/xe tiêu chuẩn, sau đó 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng khoảng 15%.
Sau khi nhận vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT, vào đầu tháng 8/2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Cùng với bổ sung một số hạng mục thiết yếu, tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh từ khoảng 9.700 tỷ đồng lên 12.668 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng.
Vào ngày 21/8, Vietinbank trong vai trò đại diện cho các Ngân hàng tài trợ vốn Dự án đã có văn bản 5195/TGĐ-NHCT5 gửi Ngân hàng Nhà nước thông báo việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) không tiếp tục tham gia đồng tài trợ cho Dự án và yêu cầu vốn tự có của Nhà đầu tư phải đáp ứng là 3.800 tỷ (tăng hơn so với mức của UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt là 2.787 tỷ chênh lệch 1.013 tỷ đồng ). Trong khi đó, Nhà đầu tư đã trao đổi Vietinbank về khả năng có thể đáp ứng đến mức 3.400 tỷ nhưng các ngân hàng vẫn chưa thống nhất.