Tài chính - Chứng khoán
Tiền vào như thác lũ, thanh khoản xô đổ kỷ lục, tâm điểm cổ phiếu Hòa Phát
Thanh Thủy - 31/05/2021 18:11
Tiền vào như thác lũ, sàn chứng khoán Việt Nam lại ghi nhận một phiên giao dịch với thanh khoản xô đổ các kỷ lục cũ. Riêng cổ phiếu Hòa Phát hút gần 3.170 tỷ đồng giải ngân.
Hòa Phát mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley tại Úc

Tâm điểm cổ phiếu Hòa Phát

Mở đầu phiên giao dịch tuần mới cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ phiếu Hòa Phát. Giá cổ phiếu này đã điều chỉnh do Hòa Phát chốt quyền trả cổ tức bằng tiền (5%) và bằng cổ phiếu (35%). Trong khi khoản cổ tức bằng tiền sẽ về tài khoản cổ đông vào ngày 11/6 tới, việc đưa vào giao dịch cổ phiếu mới thường mất vài tháng.

HPG tăng kịch trần ngay từ đầu phiên và cũng giao dịch phần lớn thời gian ở mức giá 52.700 đồng/cổ phiếu. Ước tính trên số lượng cổ phiếu sắp phát hành thêm, quy mô vốn hóa thị trường của Hòa Phát hiện xấp xỉ 235.723 tỷ đồng.

Cũng trong hôm nay, Hòa Phát cho biết Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Úc ("FIRB") đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của Công ty con tại Úc  thuộc Tập đoàn Hòa Phát. Mỏ quặng sắt Roper Valley có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Tập đoàn sẽ còn tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Dòng tiền lớn đã đổ vào cổ phiếu Hòa Phát với giá trị giải ngân đạt tới 3.168 tỷ đồng, cao nhất trên toàn sàn. Ở phía bên bán, các nhà đầu tư nước ngoài đã tranh thủ nhịp tăng này để tiếp tục chốt lời. Dòng tiền nội “cân” lực bán của khối ngoại khiến áp lực chốt lời vẫn không thể dìm giá cổ phiếu. Đây đã là phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp với tổng giá trị 1.957 tỷ đồng.

Thị trường rung lắc trong phiên sáng, chỉ số cả ba sàn bật dậy mạnh mẽ

Thông tin tiêu cực về diễn biến lan rộng của dịch Covid-19, đặc biệt tại TP.HCM, khiến giao dịch khá giằng co trong phiên sáng đầu tuần. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền bắt đáy, chỉ số trên ba sàn hồi phục mạnh từ sau 10h30. VN-Index đã có thời điểm rơi xuống thấp nhất 1.307,56 điểm nhưng cuối cùng đóng cửa tại mức 1.328,05 điểm, tăng 0,57% so với cuối tuần trước. HNX-Index và UPCoM Index tăng rất mạnh lần lượt 2,38% và 3,09%.

Sàn chứng khoán Việt Nam đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh 

Ngân hàng, chứng khoán, dầu khí và vật liệu xây dựng tiếp tục là những cổ phiếu tăng giá mạnh. Dòng ngân hàng tiếp tục đảm nhận vai trò dẫn dắt. Một số cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang giao dịch trên UPCoM chưa tăng nhiều thời gian trước đang bật lên như lò xo nén. Cổ phiếu VietBank, SaigonBank hay BaoVietBank đều tăng kịch biên độ (gần 15%).

Trừ “anh cả” vốn hóa Vietcombank, các nhà băng khác đều đóng cửa trong sắc xanh. Thị giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn đều đã vượt mức 20.000 đồng/cổ phiếu.

Dòng ngân hàng cũng đóng góp 7 cổ phiếu trong top 10 cổ phiếu kéo VN-Index tăng điểm. Tuy nhiên, HPG với mức giá kết phiên tăng kịch trần mới là trụ cột đẩy VN-Index tăng mạnh nhất. FPT tăng 3,27% cũng góp mặt trong top 10. Phiên ngày mai là ngày giao dịch không hưởng quyền của FPT, cũng đồng nghĩa, hôm nay là ngày cuối nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu để nhận cổ tức trước khi giá cổ phiếu bị điều chỉnh. Điều này không làm giảm sức hấp dẫn của FPT.

Còn trên sàn HNX, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí cũng đảm nhận vai trò dẫn dắt đà tăng v ới trụ đỡ lớn nhất là BAB khi tăng 6,72%.  Hai cổ phiếu ngành dầu khí gồm BSR(+10,26%) và OIL (+9,84%) cũng đóng góp đáng kể vào phiên tăng mạnh của sàn UPCoM, bên cạnh các cổ phiếu ngân hàng nhỏ.

Từ sàn UPCoM có lượng cổ phiếu tăng giá áp đải, số lượng mã chứng khoán giảm giá trên HoSE và HNX đều cao hơn số tăng giá. Tình trạng  “xanh vỏ đỏ lòng” diễn ra khi top 3 vốn hóa của thị trường gồm VIC, VCB và VHM đều giảm.

Điều này cho thấy dòng tiền vào thị trường dù rất lớn, nhưng đang phân hóa mạnh. Có tới 12 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch trên 500 tỷ đồng/phiên. Ngoài 8 cổ phiếu ngân hàng, còn có HPG, HSG, SSI và PVS.

Khối ngoại vẫn chỉ tập trung giải ngân vào PLX do thương vụ mua cổ phiếu quỹ Petrolimex của cổ đông Nhật Bản ENEOS vẫn đang diễn ra. Có tới ba cổ phiếu bị bán ra hơn 100 tỷ đồng gồm HPG (708 tỷ đồng), MBB (402 tỷ đồng) và VCB (105 tỷ đồng).

Tin liên quan
Tin khác