Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của Agribank Hà Tĩnh đã đạt 1.808 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Ngân hàng “tay không bắt giặc”
Bấy lâu nay, khó tiếp cận vốn vì thiếu tài sản thế chấp vẫn là bài toán đau đầu đối với người đi vay, nhất là với người dân nông thôn. Thế nhưng, tại Hà Tĩnh, bài toán khó trên đã tìm được lời giải, khi chính quyền và ngân hàng mạnh dạn đặt niềm tin vào người nông dân, với cách giải ngân vốn khoa học.
Đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Thái Huy (xóm Tân Quang, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ), có thể thấy rõ điều thần kỳ mà đồng vốn ngân hàng có thể mang lại với người dân. Từ chỗ chỉ dám vay Agribank 500 triệu đồng vào năm 2008 để nuôi lợn thịt, lúc lời, lúc lỗ, gia đình anh Huy đã trở thành tỷ phú với trang trại 350 con lợn nái, trên khuôn viên 3,7 ha.
Anh Huy cho biết, từ tháng 8/2014, khi Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ phát triển trang trại lợn giống (các trang trại quy mô 300 con trở lên được tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng), anh đã mạnh dạn vay Agribank Đức Thọ để xây dựng mô hình trang trại lợn nái. Toàn bộ vốn đầu tư cho dự án là hơn 9 tỷ đồng, trong đó riêng vốn vay Agribank là 4,25 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
“Chúng tôi biết, cho vay với lãi suất 7%/năm là ngân hàng không có lời. Hơn nữa, cho vay 3-4 tỷ đồng mà không cần thế chấp, chỉ dựa vào lòng tin và quan hệ vay vốn lâu năm với nông dân, thì chắc chỉ có Agribank mới làm được”, anh Huy tâm sự và cho biết, với tình hình đầu ra lợn giống cung không đủ cầu như hiện nay, dự kiến khoảng 2-3 năm là gia đình anh trả xong toàn bộ vốn cho ngân hàng và bắt đầu thu lãi.
Ông Phan Trọng Hiền, Giám đốc Agribank Đức Thọ cho biết, cho vay tín chấp với những hộ gia đình như anh Huy, các cán bộ của Agribank Đức Thọ rất lo lắng và không dám quyết. Đích thân ông Hiền xuống tận trang trại của anh Huy để thẩm định và quyết liệt cho vay.
“Với những mô hình như hộ anh Huy, nếu Ngân hàng không linh động, chỉ dựa vào lý mà không có tình thì không thể cho vay 3-4 tỷ đồng, vì người nông dân không có tài sản thế chấp. Dĩ nhiên, khi cho vay, chúng tôi giải ngân theo tiến độ dòng tiền, giải ngân cho đối tác (công ty lợn giống, công ty bán thiết bị), chứ không phải cho người vay, để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích”, ông Hiền nói.
Ngoài gia đình anh Huy, tại Hà Tĩnh còn có rất nhiều mô hình kinh tế đã ra đời như thế, với sự hỗ trợ, giúp sức của Agribank. Điểm chung của hầu hết các mô hình tiền tỷ này là nếu không có chính sách của tỉnh và không có sự mạnh dạn bơm vốn hỗ trợ của Agribank thì đến nay có lẽ vẫn nằm trên giấy.
Đẩy mạnh tín dụng vào nông nghiệp
Có thể nói, Hà Tĩnh là một trong những địa phương quyết liệt nhất trong thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Tỉnh đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng hàng loạt chính sách ưu đãi, kéo ngân hàng đi theo để tài trợ vốn. Cách làm này của Hà Tĩnh đã giúp ngành nông nghiệp lột xác với gần 6.000 mô hình kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho biết, trong tổng số 5.600 mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao hiện có của tỉnh, với doanh thu từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm, thì Agribank đã tài trợ vốn cho trên 3.000 mô hình kinh tế.
Trong 4 năm qua, Hà Tĩnh mạnh dạn trích ngân sách hỗ trợ lãi suất (từ 50 - 70% lãi vay), hỗ trợ trực tiếp hàng trăm tỷ đồng cho hàng chục nghìn lượt khách hàng vay hàng nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất. Bám sát chính sách của tỉnh, Agribank Hà Tĩnh đã linh hoạt và tích cực đẩy mạnh tín dụng, đưa đồng vốn ưu đãi đến tay người dân.
Đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của Agribank Hà Tĩnh đạt 1.808 tỷ đồng, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất là 1.032 tỷ đồng, khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất còn dư nợ vay là 12.815 người.
Việc tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn tái cơ cấu nông nghiệp được lãnh đạo Agribank Hà Tĩnh nhận định là “trận mưa vàng” và ngay lập tức chớp lấy thời cơ, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào mảng kinh doanh cốt lõi này.
Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho biết, 2-3 năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các hộ, các mô hình kinh tế nông nghiệp. Nhờ bám vào các chính sách này để tư vấn, động viên các hộ vay vốn, Agribank Hà Tĩnh đã đẩy mạnh được dư nợ, đặc biệt là dư nợ nông nghiệp, nông thôn.
“Chúng tôi chỉ cố gắng tận dụng các chính sách hỗ trợ rất mạnh của tỉnh để người nông dân được hưởng lợi từ tín dụng vào sản xuất”, bà Diên nói và cho biết, chính vì sự hỗ trợ tích cực với người dân, cho đến nay, Agribank là ngân hàng có thị phần lớn nhất trên địa bàn Hà Tĩnh với dư nợ chiếm trên 50%, tổng số khách hàng lên tới con số 330.000, bằng 1/4 dân số Hà Tĩnh.