Chuyển đổi số - Kinh tế số
“Tiếp sức” đường đua chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Huệ Anh - 27/07/2022 07:30
Hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” đã khơi mở những hướng đi mới cho những DNNVV mong muốn hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số.

Hội thảo diễn ra sáng ngày 26/7, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp tổ chức với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (USAID LinkSME).

Các đại biểu trong phiên thảo luận về nhu cầu và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở DNNVV

Sự kiện chào đón sự tham dự của ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, ông Gregory Leon, Giám đốc Phòng Quản trị Nhà nước và Phát triển Kinh tế của USAID Việt Nam, đại diện các sở, ban ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, viễn thông và tư vấn tài chính, cùng các cơ quan báo chí.

Tại đây, những giải pháp và công cụ cần thiết giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số thành công đã được các diễn giả phân tích và thảo luận. Ngoài ra, sự kiện cũng tổng kết những hoạt động và kết quả đạt được trong công cuộc hỗ trợ DNNVV số hóa và tiếp cận nguồn tài chính trong trung và dài hạn.

“Chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, đồng thời phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Dù vậy, hiện nay các DNNVV vẫn đang rất lúng túng với chuyển đổi số cũng như tiếp cận tín dụng”, ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) chỉ ra những thách thức các DNNVV thường gặp khi nhắc đến bài toán chuyển đổi số: “Rất nhiều doanh nghiệp lo sợ vấn đề bảo mật thông tin trong quá trình số hóa. Họ cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp phù hợp khi chi phí đầu tư cao và xu hướng công nghệ mới liên tục được cập nhật. Nhiều doanh nghiệp cảm thấy bối rối khi xác định thời gian áp dụng công nghệ và lộ trình số hóa tổng thể”.

Theo ông Greygory Leon từ USAID, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số trong suốt năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay.

Ông Gregory Leon, Giám đốc Phòng Quản trị Nhà nước và Phát triển Kinh tế của USAID Việt Nam phát biểu tại hội thảo

“Dù chỉ là những kết quả ban đầu song sự chủ động và tính tiên phong của dự án LinkSME trong việc triển khai tập trung vào những lĩnh vực, phương pháp mới đã được thể hiện rõ. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao năng lực quản trị nội bộ của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”, ông Greygory Leon chia sẻ.

Buổi hội thảo cũng có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ dự án USAID LinkSME. Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, ông Paul Weijers, Cố vấn Kỹ thuật Cấp cao dự án, nhấn mạnh tầm nhìn là yếu tố quyết định thành bại của các doanh nghiệp khi chuyển đổi số. “Chuyển đổi số là một hành trình dài. Người lãnh đạo cần xác định rõ mục đích chuyển đổi số của doanh nghiệp và luôn theo đuổi đến cùng. Việc tạo ra lợi nhuận từ chuyển đổi số chỉ là mục tiêu ngắn hạn”.

Nhà cố vấn cũng chia sẻ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp của dự án USAID LinkSME. Sau khi đã sàng lọc doanh nghiệp dựa trên bộ tiêu chí được các chuyên gia xây dựng cho từng lĩnh vực chuyên môn, nhóm dự án sẽ làm việc trực tiếp với tất cả các bộ phận của công ty để đánh giá tầm nhìn và tình hình hiện tại của doanh nghiệp. Những yếu tố được quan tâm bao gồm: tiềm năng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong 5 hoặc 10 năm tới, nguồn lực sẵn có và tốc độ chuyển đổi của họ. Đồng thời, nhóm dự án cũng cung cấp những kiến thức liên quan và lộ trình để các doanh nghiệp có thể số hóa thành công.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính, Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án USAID LinkSME đã triển khai chương trình huấn luyện cách tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 DNNVV. 14 trong số này đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Hanpo Vina, Bắc Ninh tham gia hội thảo, cho biết: “Hanpo Vina đã tiếp cận được nguồn tài chính khoảng 5 tỉ đồng, từ đối tác tài chính, thông qua sự kết nối của dự án USAID LinkSME. Với nguồn tài chính lưu động như thế, chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong thời gian COVID-19, và chúng tôi đã đầu tư một số dây chuyền sản xuất mới, mở rộng hợp tác với đối tác nước ngoài”.

Bên cạnh hỗ trợ các DNNVV về chuyển đổi số, tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính, Cục Phát triển doanh nghiệp thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án USAID LinkSME đã đồng thời xây dựng hai cổng thông tin digital.business.gov.vn và a2f.business.gov.vn nhằm tích hợp các công cụ, báo cáo, tài liệu liên quan tới chuyển đổi số và tiếp cận tài chính, giúp các DNNVV tiếp cận một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác