Thời sự
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam
Nguyễn Hoàng - 19/09/2019 12:59
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 được khai mạc chính thức sáng nay, 19/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Toàn cảnh khai mạc Đại hội
Tham dự Đại hội có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội do Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày khẳng định, 5 năm qua, MTTQ Việt Nam đã chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019 đã đề ra.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước và phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định xã hội. Nội dung, phương thức tập hợp có nhiều đổi mới, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức với cổ vũ, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữa truyền thông đại chúng với vận động cá nhân, tiếp cận tới mọi thành phần, đối tượng để tập hợp, đoàn kết nhân dân.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận các cấp đã xây dựng chương trình hành động, thống nhất với các tổ chức thành viên triển khai các đợt sinh hoạt chính trị, diễn đàn nhân dân, sinh hoạt chi đoàn, chi hội... theo các trọng tâm, chủ đề như: Triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XII và nghị quyết các kỳ họp Trung ương khóa XII của Đảng; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, 85 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, kỷ niệm các ngày truyền thống và tuyên truyền đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức thành viên; tuyên truyền thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua các chương trình công tác, lãnh đạo Mặt trận và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức hội, đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài thăm hỏi, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời thông báo về tình hình đất nước, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và chương trình hành động của Mặt trận.

Về phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Chương trình vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Phương thức vận động, giúp đỡ có nhiều đổi mới, trong đó Mặt trận vừa vận động các nguồn lực vào Quỹ vì người nghèo các cấp, vừa hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trực tiếp triển khai hỗ trợ người nghèo và các địa phương; chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể chính trị-xã hội nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững theo địa chỉ cụ thể. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hằng năm Mặt trận chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” và phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo.

Về phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh, trong nhiệm kỳ Đại hội VIII MTTQ Việt Nam đã khẳng định bước phát triển mới trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; xây dựng chương trình hành động và phổ biến, triển khai sâu rộng nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Thực hiện quy định của Đảng về “MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, ở nhiều địa phương, Mặt trận đã làm tốt vai trò đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Các đại biểu dự Đại hội thực hiện nghi lễ chào cờ

Thực hiện chủ trương và quyết tâm chính trị của Đảng về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ” và “Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020”; phát động và trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”;...

Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều ý kiến góp ý của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu tiếp thu trong quá trình xem xét, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác giám sát và phản biện xã hội trong nhiệm kỳ qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội. Hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

Hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri và tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước ngày càng có nhiều đổi mới và hiệu quả hơn.

Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân của Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên không ngừng được mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Về hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhiệm kỳ 2014-2019 là giai đoạn có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác Mặt trận, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và sự đóng góp của các tổ chức thành viên, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Mặt trận đã chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cấp ủy địa phương kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định cụ thể tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Mặt trận. Đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND, các sở, ngành địa phương ban hành nhiều chính sách, ký kết các nghị quyết liên tịch, quy chế, chương trình phối hợp… góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo các điều kiện, nâng cao năng lực cho hoạt động của Mặt trận.

Công tác phối hợp giữa Mặt trận với cơ quan Nhà nước cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là trong triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh khẳng định, đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, nhất là việc kịp thời ban hành các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Mặt trận; sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước và các cấp chính quyền; sự chủ động, sáng tạo và tích cực của các tổ chức thành viên; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận các cấp; sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ làm công tác Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp nhân dân; hoạt động của Mặt trận ngày càng thiết thực, gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân, nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của toàn xã hội.

Mục tiêu nhiệm kỳ tới, Báo cáo chính trị xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tin liên quan
Tin khác