Đại diện Viện Kiểm soát (VKS) tiến hành xét hỏi đại diện 2 bên |
Tiếp tục tranh luận về kết quả giám định bồi thường
Trước khi đến phần hỏi của HĐXX và VKS, trong phần hỏi cuối cùng ở 2 phía nguyên đơn và bị đơn, đại diện Grab, ông Jerry Lim, CEO Grab khẳng định sẽ không công nhận kết luận giám định nếu không có sự có mặt của 3 công ty giám định tại phiên tòa.
Đồng thời, đại diện pháp luật của Grab cũng đã hỏi chi tiết về cách tính giá trị bồi thường thiệt hại, đặc biệt là sự chính xác và biến động của các con số doanh thu và lợi nhuận sau thuế.
Ông Trương Đình Quý, Phó TGĐ Vinasun chỉ trả lời, trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán của công ty thể hiện rất rõ ràng và không nên mất thời gian để kiểm chứng.
Khi phía bị đơn liên tục bổ sung thêm những bất cập không được làm rõ trong cách tính thiệt hại của công ty giám định, phía nguyên đơn vẫn từ chối trả lời. Tiếp tục đến ngày thứ ba vẫn không có sự hiện diện của 3 pháp nhân quan trọng là Công ty TNHH MTV TM-DV Cửa Sổ, Công ty nghiên cứu Thị trường – Quảng cáo NBQ (hai đơn vị cung cấp các số liệu thiệt hại của Vinasun) và Công ty được tòa chỉ định sau khi trưng cầu giám định 2 bên là CTCP Thẩm định – Giám định Cửu Long.
Đáng chú ý, liên quan đến các câu hỏi về nghiên cứu giám định thiệt hại do Cửu Long thực hiện phía Grab cho rằng có rất nhiều sai sót, nhiều mơ hồ cần phải được làm rõ, Vinasun không trả lời trực tiếp câu hỏi. Khó hiểu là, ban đầu, Vinasun thừa nhận Cửu Long (và 2 công ty nghiên cứu thị trường khác đã được Vinasun thuê và trả tiền thực hiện nghiên cứu) đã lấy số liệu từ Vinasun, nhưng sau đó thay đổi ý kiến, cho rằng các công ty nghiên cứu thị trường có cách tính riêng, tự lấy số liệu.
Khi vào phần xét hỏi của VKS, Tòa đã phải nhắc nhở Vinasun nhiều lần rằng cần phải trả lời câu hỏi và không được né tránh vấn đề. Khi Chủ tọa phiên tòa hỏi về việc sai sót trong số liệu có ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu hay không, Vinasun cho rằng không ảnh hưởng(?!).
Đại diện VKS cũng chỉ ra rằng, theo Đề án thí điểm, Grab được phép thỏa thuận giá cước với các đối tác kinh doanh vận tải và có trách nhiệm hỗ trợ các đối tác kinh doanh xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi chuyến đi. Vinasun cho rằng, Viện Kiểm sát đang hiểu sai vấn đề.
Đại diện Viện Kiểm sát đã chất vấn và Vinasun thừa nhận ngoài lĩnh vực taxi, doanh nghiệp này đã mở rộng đầu tư trên các lĩnh vực khác. Tổng doanh thu vẫn tăng đều đặn, nhưng lợi nhuận giảm là do chi phí hoạt động, đầu tư không ngừng tăng, cũng như do chuyển đổi mô hình kinh doanh. Điều này không được thể hiện trong nghiên cứu của Cửu Long và đại diện Vinasun cũng né tránh các câu hỏi liên quan đến việc sụt giảm doanh thu có phải bởi chỉ do riêng Grab gây ra hay không.
Grab khẳng định là công ty công nghệ
Trong phần xét hỏi, đại diện VKS đã hỏi đại diện Grab đã kinh doanh tại Việt Nam từ tháng 2/2104 với ngành nghề gì, phía Grab khẳng định kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ cho các doanh nghiệp Taxi.
Trước câu hỏi của VKS, trong các ngành nghề kinh doanh đăng ký, Grab có đăng ký kinh doanh vận tải tại TPHCM? Đại diện Grab cho biết, công ty có đăng ký nhưng chưa bao giờ sử dụng.
“Từ ngày 2/3/2017, công ty nhận quyết định từ Bộ Công Thương, yêu cầu rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề kinh doanh này”, đại diện Grab nhấn mạnh.
Theo ông Jerry Lim, Grab là công ty công nghệ, điều này được thể hiện rõ khi Grab đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu, kết nối người dùng. Việc một doanh nghiệp khởi nghiệp chấp nhận các khoản lỗ để đầu tư, phát triển thị trường, hỗ trợ cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn là hết sức bình thường, không chỉ ở Việt Nam, Đông Nam Á mà trên toàn thế giới.
Về trách nhiệm thuế, Grab cũng đã tuân thủ nghĩa vụ và điều này được thể hiện rõ qua các công văn xác nhận của Chi cục thuế Quận 10 (TPHCM), Chi cục Thuế TP.HCM, và Tổng cục Thuế. Cụ thể 198 tỷ đồng trong năm 2017 và 270 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018. “Grab dự kiến tổng số thuế mà Grab sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước trong năm 2018 sẽ cao gấp 3 lần so với năm 2017”, ông Lim cho biết.
Tham gia phần tranh luận, luật sư Vinasun liên tục yêu cầu tòa định danh Grab là một doanh nghiệp taxi. Phía grab cho rằng, việc xác định Grab là DN taxi hay DN công nghệ là trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ, mà cụ thể là Bộ GTVT. Việc định danh này cũng không liên quan đến nội dung vụ kiện, bởi Vinasun khẳng định doanh nghiệp này chỉ kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.