- Bi kịch của ngành y tế TP.HCM - Bài 1: “Cứu người như cứu hỏa”, nhưng vẫn phải chờ thuốc
- Bi kịch của ngành y tế TP.HCM - Bài 2: Nơi cứu người lại có nguy cơ gây nguy hiểm cho bệnh nhân
- Điều tra hơn 1,1 triệu hộ về dân số và nhà ở
- Bi kịch của ngành y tế TP.HCM - Bài 3: Khủng hoảng nhân lực và những câu hỏi
Công việc vất vả, áp lực lớn, song đội ngũ y, bác sĩ khu vực công chưa được nhận chế độ đãi ngộ xứng đáng |
Nỗi đắng cay trong chiếc áo blouse trắng
Mới đây, lãnh đạo Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM) đã họp kiểm điểm đối với 4 bác sĩ Khoa Ung bướu, do họ làm thêm ngoài giờ, nhưng không có sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện.
Theo tường trình của 4 bác sĩ, vì đồng lương quá thấp, khó khăn về kinh tế, khoảng nửa năm nay, cứ những ngày cuối tuần, ngày không có ra trực, họ chạy cả trăm ki-lô-mét từ TP. Thủ Đức xuống tận phòng khám tư nhân ở huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang) để làm thêm, để lo cho gia đình.
Lãnh đạo Bệnh viện Thủ Đức cho biết, giống như các bệnh viện công lập hiện nay, thu nhập của nhân viên y tế Bệnh viện Thủ Đức rất thấp, trong khi đó, bác sĩ vẫn phải lo “cơm - áo - gạo - tiền” cho gia đình, con cái. “Họ từ TP.HCM phải đến tận Tiền Giang đi làm cũng cực lắm chứ không sung sướng gì”, lãnh đạo Bệnh viện Thủ Đức chia sẻ với báo chí.
Có đến ba chữ “bất”…
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM
Nhưng, việc làm thêm không xin phép là vi phạm quy định, nên lãnh đạo Bệnh viện Thủ Đức “đành” phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, trừ thu nhập tăng thêm 6 tháng đối với 1 bác sĩ; phê bình, trừ thu nhập tăng thêm từ 2 - 3 tháng với 3 bác sĩ còn lại.
Đồng lương, thu nhập của y, bác sĩ thấp dẫn tới tình trạng nghỉ việc hàng loạt, đến mức, mới đây, tại buổi tiếp xúc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, PGS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM bức xúc than rằng, chế độ đãi ngộ quá thấp đối với người làm công tác y tế được nêu từ lâu và đã đến lúc trở thành “nguy kịch”.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, y tế là một ngành đặc thù, nên việc thực hiện theo những quy định hay cơ chế vận hành có thể không phù hợp vào từng thời điểm. Do đó, cần phải được cấp trên “gỡ rối”, nếu không, dễ dẫn đến tình trạng toàn bộ hệ thống bị ngưng trệ. Thí dụ, việc chậm trễ trong đấu thầu đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị, ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân.
Tự chủ tài chính, bệnh viện lao đao
Bệnh viện mất cân đối thu - chi, không có tiền chi thu thập tăng thêm cho bác sĩ còn bởi thực hiện tự chủ tài chính theo chủ trương.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, 45/50 bệnh viện tại TP.HCM đã được giao tự chủ tài chính chi hoạt động thường xuyên (trừ các bệnh viện đặc thù điều trị bệnh tâm thân, phong, HIV/AIDS; Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố).
Theo đó, TP.HCM đã giảm cấp kinh phí thường xuyên cho ngành y tế. Năm 2015, tỷ lệ ngân sách TP.HCM cấp cho y tế/tổng chi thường xuyên là 9%, thì từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 2%.
Điều này, theo Sở Y tế TP.HCM, chỉ có kết quả nổi bật là làm… giảm chi ngân sách Thành phố cho ngành y tế, còn hậu quả là hàng loạt bệnh viện, nhất là bệnh viện đa khoa, khốn đốn về tài chính khi tự chủ tài chính, nhưng lại không được tự chủ giá viện phí, mà giá này theo khung lại chưa được tính đủ yếu tố chi phí.
Trong khi đó, nguồn thu từ khám bệnh, chữa bệnh chiếm 45 - 50% tổng nguồn thu; thu từ nhà thuốc chiếm 13 - 15% tổng nguồn thu. Tỷ lệ 2 nguồn thu này càng lớn, thì bệnh viện càng thiếu hụt kinh phí hoạt động, chưa kể nguồn thu từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thường bị chậm thanh toán, hoặc không được thanh toán do vượt tổng mức thanh toán, vượt dự toán hoặc bị xuất toán vì rất nhiều lý do.
Đó là chưa kể, bệnh viện còn phải trích lập Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị; đầu tư phát triển khoa học - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực...
Theo Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo cân đối thu - chi và có nguồn kinh phí để chi thu nhập tăng thêm cho người lao động, các bệnh viện phải tìm nhiều giải pháp để tăng nguồn thu dịch vụ (tổ chức khám theo yêu cầu, phẫu thuật theo yêu cầu, giường bệnh dịch vụ...). Tuy nhiên, có nhiều giải pháp lại có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các cơ sở y tế.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng, cần thành lập tổ tư vấn lập đề án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập, bao gồm các thành viên có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, y tế thuộc Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ. Đồ án tự chủ tài chính này cần được xây dựng trên các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với đặc thù của TP.HCM và cho phép triển khai thí điểm, trong đó có giải pháp điều tiết chênh lệch thu - chi giữa các bệnh viện nhằm tạo cơ sở để các bệnh viện tự chủ bền vững, đảm bảo thu nhập ổn định cho nhân viên y tế và phát triển.
Liên quan vấn đề này, tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) cho rằng, y tế thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp có mục đích hàng đầu không phải là nguồn thu, mà là phục vụ cho nhu cầu xã hội và chỉ được điều tiết bởi một nghị định về các đơn vị sự nghiệp, cùng với các luật đặc thù như Luật Dược, Luật BHYT… Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, muốn cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tự chủ hơn, thì phải xây dựng được Luật Đơn vị sự nghiệp và luật này đồng bộ với luật đặc thù từng ngành để đơn vị sự nghiệp toàn tâm theo nhiệm vụ đặc thù.
Lại thêm khốn đốn vì bảo hiểm xã hội
Hiện nay, nguồn thu khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập TP.HCM khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm 38 - 40% tổng nguồn thu của ngành y tế TP.HCM. Trong đó, đối với các bệnh viện đa khoa, đặc biệt là tuyến quận/huyện, nguồn thu này chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60 - 70% và với lộ trình bao phủ BHYT, thì tỷ lệ này ngày càng tăng lên.
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: “Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định, nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT”.
Chế độ đãi ngộ quá thấp
- PGS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM
Theo PGS-TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, do không có cơ quan chuyên trách và độc lập về thẩm định chi phí khám, chữa bệnh BHYT, nên các bệnh viện gặp khó khăn khi phải giải trình với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) về tổng mức thanh toán, vì các yêu cầu giải trình quá chi tiết, mất nhiều thời gian và công sức, nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu của BHXH.
“Các bệnh viện thường gặp khó khăn, đôi khi chịu thiệt thòi do nhận định đôi lúc còn mang tính chủ quan, thiếu tính chuyên khoa của một số giám định viên thuộc cơ quan BHXH. Hệ quả là, nhiều bệnh viện không được thanh toán đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh đã thực chi cho người bệnh”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Cùng với giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, việc không lấy lại được, hoặc lấy lại quá chậm tiền đã chi từ BHYT, trong khi đây là nguồn thu chính, các bệnh viện đã khó khăn lại càng liêu xiêu hơn. Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2021, các bệnh viện tại Thành phố đã chi phí vượt tổng mức thanh toán tới 423 tỷ đồng.
Điều này dẫn tới, không chỉ không có tiền chi thu nhập tăng thêm cho y, bác sĩ, mà công nợ của các bệnh viện với doanh nghiệp cung cấp thuốc, vật tư y tế đang có chiều hướng gia tăng đáng kể và kéo dài, gây khó khăn rất lớn cho việc vận hành doanh nghiệp.
Thực ra, để giải quyết khó khăn trên, TP.HCM đã thành lập Tổ Công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Tuy nhiên, tình trạng cũ vẫn xảy ra, nên Sở Y tế TP.HCM cho rằng, cần phải kiện toàn, nâng tầm từ Tổ Công tác thành Ban Chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, do một Phó chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất tổ chức các cuộc họp rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thì mới hy vọng cải thiện.
Mặt khác, theo Sở Y tế TP.HCM, Bộ Y tế cũng phải điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán khám, chữa bệnh BHYT; sớm tính đúng, tính đủ chi phí khám, chữa bệnh; giải quyết nhanh kinh phí cho các bệnh viện.