Ngày 12/11, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành tiêu hủy ngà voi, tê giác và một số xương gấu, hổ bị buôn bán trái phép.
34 thùng tôn đựng tang vật được Hội đồng tiêu hủy đã mở niêm phong để đếm và cân trọng lượng.
Tang vật sau đó chuyển từ Hải Phòng về khu tập kết rác ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để thiêu huỷ.
Ông Vương Tiến Mạnh (Cơ quan CITES Việt Nam) cho biết: "Sừng tê giác được tiêu hủy bằng cách đốt trực tiếp; ngà voi bị nghiền trước khi cho vào lò đốt 1.200 độ C".
"Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác thể hiện quyết tâm Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn trái pháp luật các sản phẩm động vật hoang dã", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn nói.
Hội đồng tiêu hủy quốc gia còn lấy mẫu giám định ADN ngà voi, sừng tê giác theo quy định của CITES trước sự chứng kiến của đại diện các cơ quan nhà nước, các đại sứ quán tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế và giới truyền thông.
Sừng tê giác được cắt bằng máy để lấy mẫu.
Riêng ngà voi lấy hai mẫu nhỏ ở phần gốc – nơi tập trung nhiều ADN nhất. Một mẫu sẽ được phân tích ở Việt Nam, còn một mẫu chuyển sang ĐH Washington.
“Việc thu, lấy ADN sẽ cung cấp thông tin về số lượng ngà voi hay tê giác đến từ đâu, di chuyển như thế nào và bằng cách nào được đưa tới Việt Nam” Giáo sư Samuel Wasser, Đại học Washington, Mỹ nói.
Ngay khi hoàn tất lấy mẫu thử, ngà voi được đưa vào máy nghiền nhỏ.
Theo các chuyên gia, sừng tê giác không phải thần dược (có thành phần giống móng tay người - cấu tạo chủ yếu từ chất keratin). Sau khi nghiền, đốt thành tro tất cả sẽ được chôn.
Trong tháng 10/2016, cơ quan chức năng bắt và thu giữ 4,5 tấn ngà voi.