Sản xuất xăng dầu tại kho của PVOIL |
Hồi phục mong manh
Nửa cuối năm 2021, nhu cầu dầu thô của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á được dự báo tiếp tục giảm sút do đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế tới giữa tháng 8 cũng cho thấy, kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục “mong manh”, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Trong lúc này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã ban hành mức sản lượng áp dụng trong tháng 8 và tháng 9/2021. Theo đó, Saudi Arabia và Nga có thể tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày, các nước còn lại trong OPEC sẽ tăng khoảng 10.000 thùng/ngày. Điều này càng làm thị trường dầu và các sản phẩm xăng dầu đối mặt với việc dư thừa nguồn cung.
Ở Việt Nam, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7/2021 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,8% so với tháng trước, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm 1,7% so với tháng 6. Cùng với đó, cầu thị trường yếu, tiêu thụ các sản phẩm dầu khí như dầu thô, khí, điện, xăng dầu, phân bón… đều giảm mạnh.
Tiêu thụ giảm, tồn kho cao
Lượng tiêu thụ xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) trong tháng 8/2021 ước giảm khoảng 44% so với kế hoạch. Nhu cầu xăng dầu trong nước giảm nghiêm trọng, sản lượng bán lẻ giảm đến 80% tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, giảm 60% tại Hà Nội, tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%.
Trong bối cảnh tiêu thụ gặp khó khăn, các nhà máy lọc dầu như Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hoá) đã chủ động điều tiết công suất và áp dụng các giải pháp quyết liệt để giải quyết hàng tồn kho, nhưng mức tồn kho tại các nhà máy vẫn cao, trên 85%.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, giảm nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.
Dịch bệnh cũng dẫn đến nhu cầu với các sản phẩm khí giảm sút, lượng khí huy động cho phát điện 7 tháng đầu năm thấp hơn kế hoạch của Bộ Công thương (khu vực Đông Nam bộ đạt 94,2%, Tây Nam bộ đạt 72,8%). Dự kiến các tháng cuối năm, lượng khí tiêu thụ còn thấp hơn khi các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội; các nhà máy, hộ tiêu thụ sử dụng khí làm nguyên liệu, nhiên liệu dừng hoạt động hoặc hoạt động ở mức cầm chừng.
Trong khi đó, sản phẩm phân bón của 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng rơi vào tình trạng cung cao hơn cầu do thời điểm mùa vụ đã qua. Tính đến ngày 11/8/2021, tồn kho tại Nhà máy Đạm Cà Mau là 48.200 tấn urea, ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ là 65.500 tấn urea.
Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục xây dựng các giải pháp, kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm dầu khí, đẩy mạnh xuất khẩu song song với việc phát triển, củng cố, kiểm soát thị trường, tạo cơ sở phát triển và nắm bắt cơ hội tiêu thụ sản phẩm khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.