Năng lượng tái tạo chiếm 9% tổng công suất nguồn của hệ thống nhưng chỉ đóng góp 5% sản lượng điện trong 2 tháng đầu năm. |
Tiêu thụ điện leo thang
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2020, công suất cực đại của hệ thống điện đã có ngày chạm tới 35.000 MW, thấp hơn không nhiều so với mức đỉnh 38.200 MW hồi tháng 6/2019. Sản lượng tiêu thụ điện trung bình trong 2 tháng đầu năm là 615 triệu kWh/ngày, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Thực tế này cho thấy tiêu thụ điện vẫn tăng mạnh, dù nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ đầu tháng 2.
Mặc dù diễn biến của dịch vẫn khá phức tạp và ngày càng có nhiều doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh gặp khó khăn, có thể phải tạm dừng sản xuất, nhưng nỗi lo về nhu cầu điện vẫn tăng ở mức cao không vì thế mà hạ nhiệt.
Hiện ngành điện phải tính các kịch bản tăng trưởng tiêu thụ điện khác nhau để chuẩn bị giải pháp ứng phó. Kịch bản thứ nhất là mức tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình từ 8-9%. Kịch bản thứ hai là mức tăng trưởng tiêu thụ điện cao 14-15%; thậm chí một số địa phương có điều kiện kinh tế cao như Hà Nội, TP.HCM phải dự phòng tăng trưởng trên 16%.
Theo các chuyên gia, chỉ loại trừ trường hợp dịch bệnh diễn biến bất thường trên thế giới, ảnh hưởng mạnh đến chuỗi sản xuất toàn cầu mà Việt Nam là một công đoạn trong dây chuyền, khiến hoạt động của các doanh nghiệp chững lại, kéo theo nhu cầu điện không tăng trưởng như dự tính, còn lại thách thức về cấp điện ổn định trong mùa hè này và những năm tiếp theo khá căng thẳng.
Đáng nói là trong khi nhu cầu điện tăng cao, thì nguồn cung hiện tại gặp nhiều khó khăn về vận hành.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình nước về các hồ thủy điện vẫn đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Sản lượng huy động từ thủy điện trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3,37 tỷ kWh, thấp hơn kế hoạch 2,19 tỷ kWh. Tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện là 18,29 tỷ m3 (tương ứng 7,92 tỷ kWh điện). Như vậy, lượng nước thiếu hụt so với mức nước dâng bình thường là 17,42 tỷ m3 (tương ứng 7,12 tỷ kWh điện).
Đến thời điểm đầu tháng 3/2020, các hồ thủy điện đang có mức nước thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 5 m đến 24 m, tổng lượng nước trong các hồ thủy điện thấp hơn 7,47 tỷ m3, tương đương 3,15 tỷ kWh điện.
Bởi vậy, ngay trong 2 tháng đầu năm, mặc dù phụ tải chưa phải tăng cao, nhưng toàn hệ thống đã phải huy động 230 triệu kWh bằng nguồn điện chạy dầu có giá thành cao.
Đáng nói là, hiện nay hầu hết các hồ lớn khu vực miền Bắc có nước về thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 17-83%. Ở khu vực miền Trung, tình trạng thiếu hụt nước còn nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ có nước về khá thấp, chỉ đạt từ 2-76% trung bình nhiều năm. Trong đó các hồ có nước về kém nhất là: Bình Điền, A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Buôn Kuốp, Srê Pok 3... Còn ở miền Nam, đa số các hồ cũng có diễn biến nước về kém hơn trung bình nhiều năm, lưu lượng nước về đạt từ 12-70%; trong đó các hồ nước về kém nhất là Đồng Nai 3, Trị An, Đại Ninh.
Điện than lo sự cố
Với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất kém so với trung bình nhiều năm, dẫn tới thiếu hụt lớn sản lượng huy động từ thủy điện. Bởi vậy, huy động từ nhiệt điện than, khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện của mùa khô cũng như cả năm 2020.
Trong tổng số 36,2 tỷ kWh điện phát ra trong 2 tháng đầu năm, đóng góp của nhiệt điện than là 21,2 tỷ kWh. Còn với nguồn năng lượng tái tạo thì đóng góp 1,8 tỷ kWh, chiếm 5% tổng sản lượng phát điện toàn hệ thống, trong khi công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo hiện lên tới 9% hệ thống nguồn điện.
Dẫu vậy, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong 2 tháng đầu năm, các nhà máy nhiệt điện than đã xảy ra khoảng 100 sự cố lớn nhỏ, làm giảm lượng điện phát lên lưới hơn 1,5 tỷ kWh. Trong số này có những sự cố khiến phải dừng hoạt động tổ máy 300 MW tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mất vài ngày.
Đáng nói là tình hình cung cấp điện từ tháng 3 đến hết mùa khô năm 2020 được dự báo còn nhiều khó khăn, trong khi đó các nguồn điện mới trên 300 MW được kỳ vọng huy động vào sớm ngay trong mùa khô (tới trước tháng 6/2020) như Thủy điện Hồi Xuân; Tổ máy 1, Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương lại chưa có tiến độ chính xác. Nhiều thủy điện nhỏ được dự kiến vận hành trong năm 2020 vẫn chưa có thông tin đăng ký đóng điện với ngành điện.
Bởi vậy, tiết kiệm điện đang là câu chuyện rất cấp bách, tránh tình trạng không đủ nguồn cung để cấp cho các nhu cầu điện của nền kinh tế.