Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của Vicem Bỉm Sơn giảm 135 tỷ đồng so với cùng kỳ. |
Đúng như dự báo từ cuối năm ngoái về tình hình kinh doanh không mấy khả quan của ngành xi măng, kết thúc quý đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp xi măng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã Ck: BCC) ghi nhận, doanh thu thuần đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm 335 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế quý I giảm 156% (tương ứng 136 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế âm 48,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 68,6 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/03/2023, tổng tài sản của Xi măng Bỉm Sơn là 4.115 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho là 418 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 353 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần thời điểm đầu năm, phần lớn là phải thu từ khách hàng.
Kêt quả kinh doanh quý I/2023 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên cũng không sáng hơn, khi doanh thu và lợi nhuận đều kém xa cùng kỳ.
3 tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần gần 1.691 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.957 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 163,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý I, Vicem Hà Tiên báo lỗ 86 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 25 tỷ đồng.
Năm 2022, Hà Tiên đạt doanh thu 9.473 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2021, lợi nhuận gộp của Công ty đạt 892 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 258 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 371 tỷ đồng của năm 2021 và đây cũng là mức thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2013.
Nguyên nhân tác động đến hiệu quả kinh doanh trong năm qua của doanh nghiệp là do giá vốn tăng 30% do tác động bởi giá than, giá dầu thế giới tăng cao làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, khiến Công ty bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Trong bối cảnh kinh doanh xi măng khó khăn, nguồn cung trong nước dư thừa vài chục triệu tấn, chi phí sản xuất tăng, Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 8.987 tỷ đồng và lãi sau thuế 276 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu đi ngang so với mức thực hiện năm 2022 còn mục tiêu lợi nhuận tăng nhẹ 7%.
Công ty đặt mục tiêu sản xuất 4,4 triệu tấn clinker và 6,5 triệu tấn xi măng, lần lượt giảm 0,6% và tăng 1,44% so với năm ngoái.
Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của covid-19; các công trình, dự án cũng bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi.
Cùng đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm, thị trường xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu.
Cụ thể, trong năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ quang mức 65-66 triệu tấn, xuất khẩu sụt giảm mạnh vì thuế phòng vệ thương mại cũng như thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5 lên 10% từ đầu năm nay.
Ngành xi măng từ tháng 5 trở đi còn đối diện với chi phí sản xuất tăng do giá điện tăng thêm 3% từ 4/5. Giá than dù hạ nhiệt so với cao điểm trong năm 2022 nhưng vẫn ở mặt bằng rất cao, gây áp lực tới hiệu quả kinh doanh của ngành.