Với động thái sáp nhập này, thị trường thương mại điện tử từ cuộc đua tứ mã sẽ chuyển sang cuộc đua tam mã Shopee - Lazada - Tiki + Sendo. |
Xuất hiện cuộc đua tam mã mới
Dấu hiệu báo trước cho cuộc sáp nhập giữa Tiki và Sendo xuất hiện từ cuối tháng 4/2020, khi Tiki bất ngờ lập một gian hàng trên Sendo với tên gọi Tiki Trading Platinum Mall. Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ, khi một sàn cùng trong top 4 trên thị trường thương mại điện tử mở gian hàng trên nền tảng của đối thủ.
Trước đó, trong Báo cáo thường niên 2019 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng cho biết, Cục đã tiếp nhận hồ sơ về tập trung kinh tế giữa Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ và Công ty cổ phần Tiki.
Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, Tiki và Sendo đang hoàn tất những bước cuối cùng, dự kiến trong tháng 7/2020, thương vụ sẽ hoàn tất.
Nếu thương vụ thành công, cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ chuyển sang một trang mới, thế cục mới. Hiện tại, thị trường đang diễn ra cuộc đua giữa 4 sàn thương mại điện tử mạnh nhất là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Trong đó, nhóm “ngoại ròng” là Shopee và Lazada được sự hậu thuẫn và bơm vốn của các đại gia nước ngoài. Lazada thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Alibaba. Alibaba đã chi 1 tỷ USD để sở hữu Lazada năm 2016; sau đó, Alibaba tiếp tục tăng thêm 1 tỷ USD vào năm 2017 và 2 tỷ USD vào năm 2018 rót cho Lazada. Mới đây, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam thừa nhận, Alibaba đang dùng một phần lợi nhuận từ hoạt động thương mại điện tử ở Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam. "Miễn là chúng tôi vẫn đang phục vụ người dùng và nhà bán hàng ngày càng tốt hơn, thời gian là bạn của chúng tôi", ông James Dong nói.
Còn Shopee được sự hậu thuẫn của SEA (Singapore), mà SEA thì được Tencent sở hữu 40% cổ phần. Shopee đã được SEA tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD cho vốn điều lệ của Shopee Việt Nam.
Ở nhóm nội là Tiki và Sendo, thời gian qua, dưới áp lực vốn cũng đã “bán mình” cho khối ngoại. Tiki được Tập đoàn JD (Trung Quốc) rót thêm 122 tỷ đồng sau khi đã nhận khoản đầu tư 44 triệu USD của nhà đầu tư này trong năm 2017. Mới đây, Tiki được cho là gọi thành công 75 triệu USD trong một vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Northstar Group (Singapore).
Còn Sendo cũng đã hoàn thành gọi vốn vòng C với hơn 60 triệu USD vào cuối năm 2019 từ EV Growth (Indonesia) và Kasibornbank (Thái Lan). Các quỹ trước đó đã đầu tư vào Sendo là Softbank Ventures Asia, SBI Group, Daiwa PI Partners. Lần gọi vốn mới này đã tăng số tiền huy động của Sendo lên hơn 110 triệu USD, tính luôn vòng gọi vốn trị giá 51 triệu USD hồi tháng 8/2019.
Nhưng cả Sendo và Tiki vẫn chưa đủ cho một cuộc chơi đốt tiền khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. “Big 4” nêu trên báo lỗ tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Với động thái sáp nhập này, thị trường thương mại điện tử từ cuộc đua tứ mã sẽ chuyển sang cuộc đua tam mã Shopee - Lazada - Tiki + Sendo, hình thành thế chân vạc. "Chúng tôi tin rằng, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã bước vào giai đoạn tập trung thị phần vào 4 doanh nghiệp mạnh nhất. Thời gian tới, sự cạnh tranh giữa 4 doanh nghiệp sẽ gay gắt hơn nữa. Các thương vụ M&A sẽ diễn ra, để rồi chỉ còn 2 - 3 cái tên trụ lại, chiếm thị phần lớn nhất”, ông Yoshihiro Ishawata, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư SBI Venture Capital dự báo.
Liên danh Tiki-Sendo sẽ hoạt động thế nào?
Dù lãnh đạo của cả Tiki và Sendo đều từ chối bình luận về thương vụ M&A, nhưng không khó để nhận ra nước đi tiếp theo của liên danh này.
Nhìn vào hoạt động của 2 sàn này, có thể thấy, Tiki đang tập trung nhóm khách hàng sinh sống ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, thương hiệu Sendo phổ biến hơn với người tiêu dùng ở khu vực ngoại ô và nông thôn. Vì vậy, nếu thương vụ thành công sẽ giúp hai công ty nhanh chóng mở rộng thị trường và mở rộng tệp khách hàng của mình mà không “dẫm chân” lên nhau.
Rất có thể, Tiki sẽ tập trung vào chất lượng hơn số lượng, cam kết thời gian giao hàng nhanh để chinh phục người dùng thành thị khó tính, trong khi Sendo lại chú trọng đến hàng hóa đa dạng, giá mềm để dễ tiếp cận với người dùng ở ngoại thành, nông thôn.
“Thương vụ thành công sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường, bởi họ sẽ bổ trợ, hỗ trợ nhau để tăng sức mạnh, tăng sức cạnh tranh. Sendo có những lợi thế ở thị trường nông thôn, ngoại thành, trong khi Tiki đang tập trung ở các đô thị lớn”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nhận xét.
Việc sáp nhập cũng được cho là sẽ thuận lợi cho cả Tiki và Sendo trong việc gọi vốn mới. “Cả hai kết hợp với nhau thì vẫn có thể đảm bảo cùng tiếp tục theo đuổi con đường từ đầu của mình, lại vừa có thể mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư nhờ vào lượng khách hàng đông đảo từ cả hai bên. Tiki-Sendo sau sáp nhập thậm chí có thể gọi vốn tới cả trăm triệu USD", ông Đặng Đăng Trường, đại diện iPrice Việt Nam nhận định.
Còn ở góc độ người dùng, kỳ vọng sau thương vụ sáp nhập, Tiki-Sendo sẽ có chất lượng dịch vụ tốt như Tiki và chi phí giao hàng hợp lý như Sendo. Cuộc đua tam mã cũng rất có thể chuyển thành “tứ mã”, “ngũ mã” khi những trang thương mại điện tử như Amazon (Mỹ), AliExpress (Alibaba) cũng đang thâm nhập thị trường Việt Nam.