Sau gần 3 năm gần như phải dừng hoạt động vì Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục đã đóng cửa Ảnh: Đức Thanh |
Thiếu chồng thiếu
Tại Hà Nội, gần 1 năm qua, trẻ mầm non chưa một ngày được đến lớp. Các cơ sở mầm non ngoài công lập không thu được học phí, nhưng vẫn phải chi tiền thuê nhà, phần nào hỗ trợ lương và đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đứng trước những khó khăn, áp lực, nhiều trường tư thục và nhóm lớp độc lập đã buộc phải giải thể.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, hiện tại Thành phố có 8 trường mầm non ngoài công lập giải thể (chiếm tỷ lệ 2,2%) và 56 nhóm lớp giải thể (chiếm tỷ lệ 2%). Số trường mầm non có nguy cơ giải thể lớn hơn gấp nhiều lần, với 836 trường (chiếm tỷ lệ 30%). Còn tại TP.HCM, sau đại dịch, Thành phố có 22 trường mầm non và hơn 90 nhóm lớp mầm non bị giải thể do hết sức chống chịu.
Theo đó, đề nghị các cơ quan chức năng công bố thời điểm cho phép trường mầm non tư thục được hoạt động trở lại. Họ cho rằng, trường học phải là một trong những cơ sở cuối cùng đóng cửa và là một trong những cơ sở đầu tiên mở cửa sau giãn cách xã hội.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể. Kể từ đó đến nay, do học sinh khối mầm non ở nhiều địa phương chưa thể đến trường nên số cơ sở mầm non ngoài công lập làm thủ tục giải thể vẫn tiếp tục tăng.
Tới đây, khi việc tiêm vắc-xin cho trẻ em được triển khai, trường học mở cửa trở lại, sự thiếu hụt các trường mầm non tư thục sẽ tạo áp lực không nhỏ cho hệ thống giáo dục.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hiện đảm nhiệm việc nuôi dạy cho 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường. Có 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở, trong đó bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ. Kết quả rà soát của Bộ cũng cho thấy, có 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng, 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Việc nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, rao bán, nhiều người lao động phải chuyển đi làm công việc khác do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã dẫn đến nguy cơ 1,2 triệu cháu trong độ tuổi mầm non không có chỗ học. “Đây là một con số không nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Về phía cơ sở giáo dục, theo cô Hoàng Thúy Hằng, quản lý hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội), đại dịch khiến phần lớn giáo viên phải kiếm việc khác để mưu sinh. Có người chỉ làm tạm thời, rồi chờ ngày quay lại trường, nhưng nhiều người tìm được công việc có thu nhập cao hơn nên đã nghỉ hẳn.
Tuy vậy, điều khiến nhiều giáo viên mầm non dứt áo ra đi không chỉ vì mức thu nhập tốt hơn, mà đại dịch khiến họ quá sợ hãi một cuộc sống bấp bênh, bất an. “Với giáo viên mầm non tư thục, trường đóng cửa là họ thất nghiệp. Những khoản hỗ trợ ít ỏi không thể giúp họ bảo đảm cuộc sống”, cô Hằng nêu thực tế.
Còn bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Hà Đông cho hay, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, quận có 27 trường mầm non ngoài công lập với hơn 280 nhóm lớp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua, 2 trường mầm non ngoài công lập đã giải thể; ở các phường cũng giải thể khoảng 20 nhóm lớp tư thục.
Chính quyền các phường đã vận động chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng cho chủ trường để bớt khó khăn. Nhưng số cơ sở được giảm tiền thuê nhà không nhiều và thời gian giảm cũng không được lâu do dịch bệnh kéo dài. Chưa kể, theo bà Lệ, thực trạng thiếu giáo viên cũng là nỗi lo của các trường mầm non ngoài công lập trong thời gian tới nếu được mở cửa trở lại.
Giải pháp gỡ khó
Nhằm khắc phục phần nào khó khăn cho hệ thống giáo dục mầm non, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cơ quan này đang đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhằm duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non, tiểu học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp phép, nhưng phải dừng hoạt động để phòng dịch theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền. Qua rà soát, có 111.423 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc đối tượng này.
Bộ cũng đề xuất đưa vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội các chính sách hỗ trợ số hóa, ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có thể sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động. Rà soát của Bộ GD&ĐT cho thấy, có khoảng 2.310 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tổng số tiền gói tài chính ngành giáo dục đang đề xuất cho cả người lao động và các cơ sở mầm non ngoài công lập và đang trình Chính phủ xem xét là hơn 800 tỷ đồng, đi kèm với cơ chế vay vốn, thuế và các điều kiện khác nhằm hỗ trợ người lao động và các cơ sở vượt qua khó khăn.
Về phía các cơ sở giáo dục, dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng các giáo viên và chủ cơ sở mầm non tư thục cho hay, họ rất chia sẻ với Chính phủ những khó khăn chung mà nền kinh tế đất nước đang phải trải qua. Với các lãnh đạo trường mầm non tư thục, điều họ mong đợi nhiều nhất là được ưu đãi về thuế và có thể vay ngân hàng với lãi suất 0% nhằm duy trì và khôi phục trường sau khi học sinh được đi học trở lại.