Cùng với Hà Nội, TP.HCM là một trong hai địa phương có số thuế nợ đọng lớn nhất cả nước. Việc xử lý nợ thuế tại TP.HCM đã được thực hiện đến đâu, thưa bà?
Trong 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế trên địa bàn TP.HCM đã đôn đốc thu được gần 16.500 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả khả quan này có được là nhờ sự quyết liệt trong thu hồi nợ đọng thuế bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có cả giải pháp mạnh như trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế đối với 3.712 trường hợp, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với 253 trường hợp, kê biên tài sản của người nợ thuế đối với 34 trường hợp… và gửi công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xem xét thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động đối với một số trường hợp.
Chúng tôi xác định, số tiền nợ thuế trên địa bàn đã rất lớn, nên một mặt phải lo giải quyết nợ tồn đọng của nhiều năm trước đây, mặt khác quyết tâm không để phát sinh nợ mới.
Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM |
Để bảo đảm việc cưỡng chế nợ thuế chính xác, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) chấp hành đầy đủ chính sách thuế, ngay sau khi DN có nợ đến hạn, cơ quan thuế gửi thông báo và mời DN lên cơ quan thuế đối chiếu công nợ, xác nhận nợ. Trong quá trình đối chiếu, nếu phát hiện ra sai sót, nhầm lẫn thì điều chỉnh kịp thời và yêu cầu DN thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Nếu DN không thực hiện, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế nợ.
Ngày 30/6/2015, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế công bố danh sách 600 DN có số tiền nợ thuế lớn, trong đó riêng Hà Nội và TP.HCM, mỗi địa phương có tới 200 đơn vị. Sau khi công bố danh tính DN nợ thuế, hiệu quả thu hồi nợ đọng có được cải thiện?
Không chỉ cung cấp danh tính đối tượng nợ thuế trên trang thông tin của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, chúng tôi còn chủ động công bố danh tính 50 DN chây ỳ tiền thuế trên báo chí.
Có thể nói, biện pháp cưỡng chế bằng cách công bố công khai danh tính DN nợ thuế rất có hiệu quả. Đơn cử, sau khi chúng tôi công bố 50 DN nợ thuế trên báo chí, thì không chỉ 50 đơn vị này, mà các đơn vị đang trong tình trạng nợ đọng tương tự nhưng chưa bị công bố hiểu rằng, một khi cơ quan thuế đăng thông tin về tình hình nợ đọng thuế thì uy tín của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên đã tìm mọi cách để nộp khoản nợ thuế. Cũng nhờ giải pháp này, mà việc thu hồi số thuế nợ đọng rất khả quan. Với tình hình như vậy, chúng tôi đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay, số nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2015.
Nếu ngành thuế quá quyết liệt trong việc thu hồi nợ thuế thì có thể đẩy nhiều DN đang gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan vào “bước đường cùng”, thưa bà?
Quan trọng nhất trong việc thu hồi nợ thuế không phải là thu hồi tối đa số tiền nợ thuế, mà phải tạo điều kiện cho DN có tiền để trả nợ, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, sau khi công bố công khai danh tính đối tượng nợ thuế, đơn vị nào chưa thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, chúng tôi tiến hành phân loại xem nguyên nhân của nợ thuế là do DN gặp khó khăn hay cố tình chây ỳ.
Thực ra, trong số DN nợ thuế có không ít đơn vị gặp khó khăn khách quan mà nguyên nhân sâu xa là thị trường bất động sản mấy năm trước đây sụt giảm, khiến DN kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, kéo theo hàng loạt DN trong nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết kế, tư vấn xây dựng… cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Với những trường hợp đó, cơ quan thuế phải có giải pháp để DN giảm được nợ gốc, nộp được tiền thuế phát sinh. Đơn cử, DN đang nợ thuế 2 tỷ đồng, nếu yêu cầu họ nộp ngay 2 tỷ đồng, họ chỉ có nước đóng cửa, ngừng hoạt động. Vì vậy, thay vì thu hồi nợ đọng một cách cứng nhắc, chúng tôi vận động DN có bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu để giảm bớt nợ gốc, giảm tiền chậm nộp.
Nợ thuế sẽ phát sinh tiền phạt chậm nộp. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội xóa tiền phạt chậm nộp đối với một số đối tượng tại Kỳ họp thứ 10. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Năm 2014, đứng trước thực tế là tiền phạt chậm nộp phát sinh khá lớn do hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội xóa tiền phạt chậm nộp cho DN gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan và đã nộp đủ tiền nợ gốc trước ngày 31/12/2014. Trước thông tin này, rất nhiều DN đã tìm mọi cách xoay sở để nộp tiền nợ gốc trước ngày 31/12/2014, nhưng rất tiếc, giải pháp đó đã không được Quốc hội chấp thuận.
Tại Kỳ họp thứ 10, một lần nữa, Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế đối với các khoản nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2007 đến ngày 1/7/2013 đối với DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015. Không chỉ DN, mà bản thân cơ quan thuế cũng rất mong Quốc hội đồng ý với giải pháp này để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN nộp hết tiền nợ thuế gốc.
Bà có nghĩ rằng, việc xóa tiền phạt chậm nộp sẽ tạo ra tiền lệ xấu?
Số tiền phạt chậm nộp được đề nghị xóa phát sinh từ ngày 1/7/2007 đến ngày 1/7/2013 - thời kỳ hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, mỗi năm có 40.000 - 50.000 DN phải đóng cửa, giải thể. Số còn lại đã rất cố gắng trả nợ gốc, vì thế, cần phải có chính sách động viên, khuyến khích bằng cách xóa tiền phạt chậm nộp. Tôi cho rằng, xóa tiền chậm nộp thuế mang tính chất động viên là chính, vì nếu được Quốc hội đồng ý, thì trên cả nước cũng chỉ có khoảng 2.820 DN được xóa tiền phạt chậm nộp, với số tiền 950 tỷ đồng.