Tín dụng tăng kỷ lục
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, đến ngày 25/5, tín dụng tăng trưởng 6,53%, cao nhất trong 8 năm qua.
Tại một số ngân hàng thương mại, tín dụng quý I/2017 tăng trưởng rất khả quan. Thậm chí, có ngân hàng chỉ trong quý I/2017 đã “xài” hết hơn nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm. Tại một số ngân hàng như ACB, Vietcombank, LienVietPostBank…, tăng trưởng tín dụng dao động từ 8,3% đến 11%/năm.
. |
Trước đó, cuối quý I, nhiều ngân hàng tỏ ra lo lắng vì NHNN “hãm” tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ dưới 18%. Dù vậy, thời gian gần đây, do lạm phát, tỷ giá, lãi suất diễn biến thuận lợi, nhiều khả năng, NHNN sẽ nới lỏng cung tiền theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch (18%). Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công tăng trưởng chậm, việc Chính phủ “đẩy” vốn tín dụng sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và cũng tạo cơ hội để ngân hàng mở rộng cho vay.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, một loạt ngân hàng đang chuẩn bị kiến nghị NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm, sau khi đã có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Đương nhiên, việc điều chỉnh chỉ tiêu sẽ không được NHNN áp dụng cho tất cả. Những ngân hàng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, xử lý nợ xấu tốt và kiểm soát được nợ xấu mới phát sinh, có hoạt động cho vay lành mạnh… sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, với tình hình lạm phát hiện nay, khả năng NHNN sẽ nới lỏng tiền tệ ở mức vừa phải. Theo đó, nếu lạm phát các tháng tới tiếp tục trong vòng kiểm soát, NHNN có thể sẽ nới thêm 1-2% tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu ban đầu, nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh GDP đạt mức khá thấp trong quý I/2017.
Thận trọng với giao thông, bất động sản
Tín dụng chảy mạnh trong 5 tháng đầu năm, trong khi GDP tăng trưởng chậm hơn năm ngoái khiến nhiều người lo ngại rằng, dòng vốn ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực “nóng” như giao thông, bất động sản. Tuy vậy, trả lời về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cơ cấu tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn chủ yếu rót vào các lĩnh vực ưu tiên và vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với năm 2016.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Tăng trưởng tín dụng cao đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong điều kiện giải ngân đầu tư công chưa được cao. Giải ngân tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ.
NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn/ trung dài hạn, cho vay lĩnh vực bất động sản, các khoản tín dụng cho vay Dự án BT và BOT ngành giao thông. Tuy không đưa ra quy định cấm hay đặt ra ngưỡng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, BOT, BT giao thông, nhưng NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối và sử dụng nguồn vốn như thế nào để đảm bảo an toàn hệ thống.
“Thống đốc NHNN đã kiên quyết chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo cân đối nguồn vốn, tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tín dụng trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT giao thông…”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Riêng tại TP.HCM, mặc dù tín dụng 5 tháng đầu năm tăng rất mạnh (8,3%), song ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng bất động sản tăng chậm và chỉ chiếm hơn 10% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tín dụng bất động sản không còn tăng nóng như giai đoạn trước. Các ngân hàng đã kiểm soát chặt hơn cho vay lĩnh vực này để hạn chế rủi ro.
Mặc dù NHNN khẳng định, cơ cấu tín dụng vẫn đi đúng hướng, song việc mở rộng tín dụng trong bối cảnh nợ xấu vẫn chưa được xử lý khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng. Mặt khác, dù tăng trưởng chậm lại, song đến nay, dư nợ tín dụng công nghiệp và xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ tín dụng công nghiệp và xây dựng là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, gấp 3 lần tín dụng nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc tiếp tục kịch bản dựa vào tín dụng để “bẩy” tăng trưởng kinh tế cũng sẽ làm tăng “căn bệnh” thâm dụng vốn của nền kinh tế.
Được biết, nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào tín dụng với mức độ tín dụng lên tới 120% GDP. Theo nhiều tính toán, 2 đồng tăng trưởng tín dụng có thể tạo ra 1 đồng tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, khi giải ngân vốn đầu tư công gặp khó, tín dụng có thể là bệ đỡ, nhưng cần kiểm soát chặt dòng chảy của tín dụng. Nếu tín dụng tiếp tục rót vào bất động sản và lách bằng tín dụng tiêu dùng, bong bóng bất động sản có thể xảy ra, gây thêm một lớp nợ xấu mới, chồng lên nợ xấu đang tồn đọng của ngân hàng. Cơn sốt đất nền diễn ra tại TP.HCM thời gian gần đây là một cảnh báo.
Về lâu dài, Chính phủ cần phải kiên định chuyển đổi cấu trúc GDP từ thâm dụng vốn và tài nguyên sang sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp.