Techcombank cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay mua nhà của ngân hàng này phục hồi lên mức 181.700 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ. Giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đạt 31.200 tỷ đồng trong quý II/2024.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/5, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản), còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.
Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tính đến cuối tháng 5 đạt hơn 14,034 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là khoảng 3,019 triệu tỷ đồng, tăng hơn 133.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đây là lần đầu tiên, dư nợ lĩnh vực bất động sản vượt mốc 3 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,811 triệu tỷ đồng, tăng 20.600 tỷ đồng; dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,207 triệu tỷ đồng, tăng 112.700 tỷ đồng.
Giới phân tích cho rằng, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, gia tăng nhu cầu vay vốn của các chủ đầu tư và nhu cầu mua nhà. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho biết, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư địa ốc sẽ duy trì ở mức cao, khi họ tăng cường sử dụng nợ vay để phát triển các dự án mới. Quý I/2024, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư niêm yết có xu hướng tăng, thể hiện bằng chỉ số nợ vay/EBITDA tăng lên mức 3,4 lần từ mức nhỏ hơn 2 lần trong giai đoạn trước năm 2022.
VIS Rating nhận xét, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới cải thiện sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giảm bớt khó khăn về thanh khoản do áp lực nợ đáo hạn trái phiếu lớn trong năm 2024 và 2025. Đồng thời, các chuyên gia phân tích kỳ vọng, dư nợ ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tăng 16-18% trong năm 2024.
Lãnh đạo các ngân hàng cũng khẳng định, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, các ngân hàng vẫn không ngại cho vay bất động sản nếu các dự án có đầy đủ pháp lý. Bên cạnh đó, cho vay lĩnh vực này vẫn được đánh giá là nhiều tiềm năng khi thị trường đang dần hồi phục và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho hay, một trong những lý do giúp kết quả kinh doanh của Techcombank tốt là vì ngân hàng này tài trợ cho nhiều dự án với pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để bán. Thực tế cho thấy, nhu cầu về bất động sản vẫn đang rất mạnh mẽ. Xu hướng trên sẽ được duy trì và nửa cuối năm có thể tốt hơn.
Còn theo lãnh đạo VPBank, dù nợ xấu bất động sản tăng nhanh, nhưng đều thu hồi được gần như 100% khi thị trường phục hồi, tỷ lệ mất tiền gốc khi cho vay bất động sản thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.
Theo các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), động lực tăng trưởng tín dụng bền vững cần xuất phát từ nhu cầu vốn của người dân và phần quan trọng trong đó là tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản, bao gồm nhu cầu mua nhà, kinh doanh bất động sản. Nhóm tín dụng liên quan đến bất động sản được đánh giá là nhóm có nhu cầu vay vốn cao và ổn định, cũng như đi kèm các tài sản thế chấp giúp giảm rủi ro nợ xấu. Tính đến cuối quý II/2024, dư nợ riêng ngành bất động sản đạt 3.083 tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu an cư lạc nghiệp, có nhà ở vẫn là nhu cầu chủ yếu của người dân.
Tuy nhiên, tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân đã tăng và đang gấp khoảng 4-5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị (3-5 lần). Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm, nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao khiến nhiều người khó hiện thực hóa giấc mơ an cư của mình. VPBankS kỳ vọng, các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn.