Đầu tư và cuộc sống
Tín dụng chính sách xã hội giúp hàng trăm ngàn hộ dân Thủ đô thoát nghèo
Nhật Hạ - 04/12/2022 14:46
20 năm qua, đã có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; trong đó có 243.000 hộ đã thoát nghèo,…

243.000 hộ đã thoát nghèo

Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội cho biết, 20 năm qua đã có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách của thành phố được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 42.896 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 30.442 tỷ đồng, dư nợ bình quân là 39 triệu đồng/khách hàng, tăng 37 triệu đồng/khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao. 

Kiểm tra hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh: VGP/Thành Nam).

Trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 43,5 triệu đồng/hộ, tăng 42,5 triệu đồng/hộ so với thời điểm nhận bàn giao.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh đã và đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt trên 12.770 tỷ đồng, với gần 255.000 khách hàng vay vốn, tăng gần 12.440 tỷ đồng, gấp 38,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao. 

Nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Nhờ đó, đã giúp 243.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 808.000 lao động; giúp hơn 148.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo 775.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.300 ngôi nhà cho hộ nghèo; 

Đồng thời, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ đã được triển khai hiệu quả trên địa bàn và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. 

Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ; hạn chế được nạn cho vay nặng lãi và trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình, kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong từng giai đoạn, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, vùng sản xuất tập trung

Tính riêng Quỹ Khuyến nông Hà Nội, một “đặc sản” của Thành phố Hà Nội thành lập từ năm 2002, hoạt động với nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, 20 năm qua, Quỹ Khuyến nông Hà Nội là một kênh tài chính ưu đãi giúp hàng ngàn hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã… được vay vốn phát triển sản xuất. 

20 năm nay, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn có thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của Quỹ Khuyến nông Hà Nội là tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Thủ đô theo hướng hiện đại và bền vững.

Trải qua 20 năm, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ…

Hiện Quỹ Khuyến nông Hà Nội thường dành 15 - 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương.

Tin liên quan