Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên xếp hạng tín nhiệm và giám sát các hệ số an toàn vốn... mà không cần đề nghị xin duyệt từ cơ quan quản lý. Chính sách này không chỉ tăng tính linh hoạt cho các ngân hàng mà còn giúp dòng vốn chảy nhanh hơn đến các lĩnh vực cần thiết, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Thông báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 30/12/2024 cũng cho biết, cơ quan này đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, cầu về tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng từ một số ngành chủ chốt của Việt Nam như bất động sản khu công nghiệp (ăn theo tăng trưởng FDI), bất động sản dân cư (nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án) và đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo (nhờ việc quyết liệt khôi phục tiến trình triển khai Quy hoạch Điện VIII nhằm đối phó với rủi ro thiếu điện vào năm 2026) của Chính phủ. Ngoài ra, cầu tín dụng tiêu dùng cũng có thể sẽ cải thiện do kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Để đạt được mục tiêu này của Chính phủ, ngành ngân hàng phải nỗ lực giải ngân bởi hiện nay tín dụng vẫn là kênh cung ứng vốn lớn nhất của nền kinh tế.
Nhóm chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS cũng cho rằng, động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích MBS cho rằng tín dụng năm 2025 sẽ tăng 15-16% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. Nhóm ngân sử dụng hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024 và các ngân hàng đã sử dụng hết hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024 sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc xin “room” tín dụng năm 2025.
Về lãi suất, VCBS cho rằng, lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025. Trong đó, lãi suất sẽ tiếp tục nhích thêm 0,2 đến 0,3 điểm % trong giai đoạn cuối 2024 khi áp lực về tỷ giá, lạm phát vẫn hiện hữu và các ngân hàng cần đảm bảo thanh khoản để đáp ứng nhu cầu tín dụng.
Tuy nhiên sang 2025, lãi suất huy động sẽ đi ngang khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Dù lãi suất có nhích lên nhưng vẫn thuộc vùng thấp, tương tự như giai đoạn dịch Covid-19.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và các ngân hàng.
Cụ thể, các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp tục giảm nhẹ, trong khi những ngành phục hồi nhanh, rủi ro cao hơn như bất động sản và xây dựng có thể nhích lên theo đà tăng của lãi suất huy động.