Tín dụng năm 2014 có thể đạt 14 - 15%
Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn chưa công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014. Tuy nhiên, theo TS. Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội, nếu năm 2014, tăng trưởng tín dụng không đạt 14 - 15%, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% sẽ khó khả thi.
| ||
Theo tính toán, tăng trưởng tín dụng năm 2014 có thể đạt 14 - 15% |
Tính đến cuối tháng 10/2013, dù rất nỗ lực, song tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 6,8%. Vậy kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 14-15% năm 2014 có khả thi khi tình hình kinh tế năm 2014 dự báo không có nhiều thay đổi so với năm nay?
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hiện tăng trưởng tín dụng không chỉ dựa vào cho vay doanh nghiệp như trước. Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013- 2014 không phải là không đạt được.
“Có 3 cơ sở để tín dụng năm 2014 tăng mạnh hơn năm 2013 và có thể đạt 14-15%. Thứ nhất, vốn FDI vào Việt Nam gia tăng, tiến độ giải ngân vốn FDI tốt hơn. Thứ hai, năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ cũng sẽ được tung ra để cung ứng vốn cho các công trình trọng điểm. Thứ ba, việc NHNN đẩy nhanh quá trình xử lý nợ cũng khiến tín dụng khả quan hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, tính đến hết tháng 10/2013, nếu tính cả dư nợ tín dụng đã được xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro và mua bán nợ của VAMC, thì thực tế tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 7,89%. Có nghĩa, việc trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ xấu giúp tăng trên 1% nợ xấu. Từ nay đến cuối năm, VAMC mua 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu, tín dụng nhờ thế mà tăng lên.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2014, VAMC sẽ mua 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Con số này, nếu cộng với trích lập dự phòng rủi ro cũng đủ tạo ra vài phần trăm tăng trưởng tín dụng.
Số lượng không bằng thực chất
Theo bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 đạt 12% không phải là không có khả năng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, NHNN phải tăng rót tiền cho các đại dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, chứ không thể trông chờ vào cho vay DN nhỏ và vừa. Bởi hiện rào cản tăng trưởng tín dụng không phải là lãi suất, mà chính là khả năng hấp thụ vốn của DN.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng năm 2014 chỉ trông chờ vào giải ngân vốn đầu tư công, còn phía ngân hàng đã “cạn” nguồn khách hàng tốt.
Tuy nhiên, liên quan đến việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013-2014, còn rất nhiều ý kiến gây tranh cãi. TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khuyến cáo, chính sách tài khóa năm 2014 là nới lỏng (thực tế là luôn nới lỏng). Do đó, chính sách tiền tệ năm 2014 không thể nới lỏng, nếu không sẽ đẩy lạm phát tăng cao. Do đó, NHNN không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15%, thậm chí, chỉ nên đặt mục tiêu 10%.
“Quan trọng nhất đối với tăng trưởng tín dụng nước ta không phải là con số, mà là chất lượng tín dụng, không phải chỉ xử lý nợ xấu, mà phải ngăn cho nợ xấu mới không phát sinh thêm. Tín dụng nước ta chủ yếu là ngắn hạn, nếu hạ chuẩn tín dụng, chỉ 3-6 tháng nữa, nợ xấu lại phình to”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, nếu không, hệ thống ngân hàng sẽ phải trả giá bằng nợ xấu. Tuy nhiên, ông Phước cho rằng, với tình hình hiện nay, nếu lộ trình thị trường hóa một số mặt hàng được kiểm soát đúng liều lượng, khả năng lạm phát là không đáng lo.
Hà Tâm