Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng “tam nông” hỗ trợ nông nghiệp gia nhập sân chơi lớn
P.V - 01/03/2016 09:45
Với mạng lưới rộng khắp trên cả nước, trên 70% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, Agribank trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 hướng đến ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa khi có chỉ đạo của Chính phủ, qua đó hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp tăng sức cạnh tranh khi Việt Nam tham gia các sân chơi lớn có tính chất toàn cầu.

Agribank đồng hành với hội nhập

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã tham gia chính thức hầu hết các tổ chức, thỏa thuận, hiệp định kinh tế lớn trên thế giới và khu vực, như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, AEC, TPP… Hội nhập mang đến cho nước ta nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều thách thức.

Từ góc nhìn của một tổ chức tín dụng cung ứng vốn hàng đầu cho lĩnh vực nông nghiệp, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank nhận định: “Các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đang đàm phán sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu một số hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, nông sản, đồ gỗ… Tuy nhiên, hàng nông sản của các nước cũng được hưởng lợi tương tự khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Vì vậy, sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng rất lớn”.

Vốn tín dụng của Agribank đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Tổng giám đốc Agribank cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, khai thác tối đa những lợi thế mà các hiệp định thương mại mang lại, Chính phủ cũng như các tổ chức tín dụng, tài chính, ngân hàng cần có giải pháp vừa mang tính cụ thể, nhưng vừa mang tính chiến lược lâu dài trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Những năm qua, chính sách tín dụng theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã mang lại những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội và thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong quá trình triển khai, Agribank đã khẳng định vị thế là ngân hàng hàng đầu trong cho vay nông nghiệp.

Cụ thể, cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 70% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng. Tính đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã chiếm tỷ trọng hơn 73% tổng dư nợ. Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn để từng bước hội nhập khu vực và thế giới.

Kỳ vọng lớn

Để hỗ trợ ngành nông nghiệp bước vào cuộc chơi toàn cầu, Chính đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thay thế cho Nghị định 41/2010/NĐ-CP.

Nghị định mới đã cơ bản khắc phục được hầu hết vướng mắc, hạn chế và có nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chính sách tín dụng mới được kỳ vọng mang lại những kết quả to lớn trong việc phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong hội nhập.

Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới, ông Tiết Văn Thành cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. “Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp phải hướng đến sản xuất hàng hóa có tính tới thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tiến hành nghiên cứu, xác định, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn”, Tổng giám đốc Agribank chỉ rõ.

Tổng giám đốc Agribank cũng cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong hội nhập quốc tế là rất lớn. Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thông qua chính sách phù hợp trong quản lý, các giải pháp đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… sẽ góp phần phát triển ổn định kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngành hàng, tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Đối với Agribank, dù đang bước vào giai đoạn nước rút của quá trình tái cơ cấu, song Ngân hàng vẫn chưa bao giờ lơ là “mặt trận” chính của mình.

Hiện ngân hàng đang chuẩn bị tổng kết giai đoạn I thực hiện Đề án Tái cơ cấu và hoàn thiện chiến lược kinh doanh 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Mục tiêu của Ngân hàng giai đoạn tới là phát triển ổn định, vững chắc theo hướng ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ và luôn giữ vững vị trí ngân hàng thương mại chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tin liên quan
Tin khác