Thông tin trên được NHNN chia sẻ tại buổi họp báo tình hình hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra sáng ngày 16/6.
NHNN cho biết, trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo NHNN, dưới tác động của dịch Covid-19, do cầu tín dụng tăng thấp; đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Còn đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng lên mức 2,13% so với đầu năm nay. Nhưng nếu so với bình quân 6 tháng của 2019 thì chỉ bằng 1/2 (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng ngành ngân hàng tăng 5,7%), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Về cơ cấu tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tín dụng nông thôn tăng 0,3% so với đầu năm nay; tín dụng xuất khẩu tăng 4,94% (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng xuất khẩu tăng trên 10% trong); Tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 2,92% so với đầu năm; công nghiệp phụ trợ 2,27%; doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) giảm 0,7% và tín dụng tiêu dùng cũng giảm.
Tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cũng tăng để hỗ trợ cho người nghèo. Theo ông Hùng, khi dịch Covid-19 xảy ra ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, trong tháng đầu có khoảng 300.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch; tháng tiếp theo lên 900.000 tỷ đồng, nhưng tháng sau đó lại lên đến 1-2 triệu tỷ đồng, tác động lớn đến hoạt động của ngành ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, ngành ngân hàng cũng đã sớm vào cuộc khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN để tái cơ cấu và giãn nợ cho khách hàng; giảm phí cho khách hàng. Dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng.
Vì vậy, cầu vốn tín dụng của khách hàng khó có thể tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào sẽ kiểm soát được, đáng chú ý ở một số quốc gia tín dụng còn tái diễn. Có doanh nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Trong bối cảnh dịch covid-19 chưa chấm dứt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cầu vốn của khách hàng khó tăng. Nhưng điều này cũng phù hợp với diễn biến của nền kinh tế hiện nay", bà Hồng nói.
Nếu doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện tín dụng, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Hiện thanh khoản của ngân hàng đang khá dồi dào, dư thừa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, ngân hàng sẽ hạ chuẩn cho vay để đẩy tín dụng tăng.
Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dich bệnh, ngành ngân hàng cũng đã nỗ lực trong việc xúc tiến, gặp gỡ doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn. Đến thời điểm này, các ngân hàng đã bị tác động đến lợi nhuận, cắt giảm chi phí...
NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm. Về điều hành tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, TCTD mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Đồng thời, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 07/05/2020 để cụ thể hóa Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng để NHCSXH cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
Đặc biệt, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Việc cho vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đánh giá và chia sẻ với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật, khả năng tài chính và cân đối vốn của TCTD; tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.
Theo lãnh đạo NHNN, hiện nguồn vốn và thanh khoản của ngân hàng đang dư thừa, nhưng không phải vì thế mà hạ chuẩn cho vay. Vì vậy, tối thiểu khách hàng phải đảm bảo được an toàn hệ thống, tích cực triển khai tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, việc cho vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đánh giá và chia sẻ với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật, khả năng tài chính và cân đối vốn của TCTD; tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.